Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các trường chưa dám tự chủ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ GD&ĐT đang củng cố các phương án cho kỳ tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2013. Trong khi nhiều trường ngoài công lập đề nghị bỏ phương án "3 chung", thì các trường công lập trọng điểm lại không mặn mà với việc tách ra thi riêng.

Giữ nguyên quy mô tuyển sinh

Mùa tuyển sinh 2013 sẽ không có nhiều biến động khi Bộ GD&ĐT vẫn giữ thi theo phương thức "3 chung" (chung đợt, chung đề, chung kết quả), không bổ sung thêm khối và vẫn ấn định 3 đợt thi (2 đợt thi ĐH và 1 đợt thi CĐ).

Các trường chưa dám tự chủ - Ảnh 1

Mùa tuyển sinh 2013 vẫn chưa có gì đột phá. Trong ảnh: Thí sinh làm bài thi tại hội đồng thi ĐH Ngoại thương Hà Nội năm 2012.Ảnh: Viết Thành

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, về cơ bản, mùa tuyển sinh 2013 sẽ không có thay đổi lớn. Điểm mới được bổ sung là thay cho quyết định xét tuyển thẳng với người học ở 62 huyện nghèo, Bộ GD&ĐT bổ sung đối tượng xét tuyển thẳng với các em học sinh ở các huyện biên giới, hải đảo. Ngoài ra, sẽ xem xét để khối năng khiếu tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ngoài việc chắc chắn thi ĐH, CĐ năm 2013 vẫn theo phương thức "3 chung" thì những thay đổi trên mới chỉ là dự kiến. Tất cả sẽ chỉ được đặt ra và thống nhất tại hội nghị tuyển sinh, dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2013.

Về quy mô tuyển sinh, ông Ga cho hay, Bộ sẽ không tăng quy mô để đảm bảo chất lượng đào tạo. Các trường sẽ xác định chỉ tiêu năm 2013 dựa trên các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Trường nào xác định chỉ tiêu không đúng với năng lực sẽ bị trừ chỉ tiêu cho năm kế tiếp. Theo đó, Bộ GD&ĐT không khuyến khích các trường mở thêm ngành và tăng chỉ tiêu ở khối ngành kinh tế, bởi đến thời điểm này, quy mô đào tạo khối kinh tế đã lên tới 38% tổng quy mô đào tạo, trong khi quy hoạch mà Chính phủ đưa ra cho khối này chỉ là 20%.

Vẫn chọn thi “3 chung”

Trao đổi về vấn đề tự chủ tuyển sinh ĐH, CĐ cho năm 2013, GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Trường được Bộ GD&ĐT cho phép tự chủ phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, nhưng phải có đề án trình Bộ xem xét. "Đến thời điểm này chúng tôi chưa xây dựng đề án đổi mới phương thức tuyển sinh, bởi còn nhiều vấn đề phải cân nhắc. Nếu chỉ một mình ĐH Bách khoa Hà Nội thi riêng, chắc chắn sẽ tạo áp lực cho thí sinh và sẽ có nhiều tình huống xảy ra. Thi riêng mà khó sẽ không có đầu vào, ngược lại đề thi dễ, e rằng lượng thí sinh "ảo" sẽ nhiều" - ông Giảng chia sẻ.

Đây cũng là tình trạng chung của các trường ĐH lớn, ĐH trọng điểm được Bộ GD&ĐT "đặt hàng" đưa ra các phương án tuyển sinh mới thay thế cho phương thức "3 chung" hiện tại, trong đó bao gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội… GS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, năm 2013, đơn vị này vẫn lựa chọn phương án "3 chung" của Bộ GD&ĐT chứ không ra đề riêng, tổ chức thi riêng bởi phải có thời gian xây dựng đội ngũ chuyên gia, xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực… Hầu hết các chuyên gia cho rằng, có quá nhiều việc cần được chuẩn bị bài bản và phải mất vài năm, thậm chí lâu hơn thế, để tìm ra phương thức tuyển sinh phù hợp nhất.

Có thể thấy, một phương án tuyển sinh phù hợp, thỏa mãn được cả hệ thống nói chung và từng trường nói riêng không đơn giản. Đến các trường ĐH trọng điểm vẫn còn nhiều băn khoăn như vậy, thì với các trường ĐH khác, việc lên phương án tự chủ tuyển sinh càng nhiều lúng túng. Và điều chỉnh thế nào để không tái diễn tình cảnh tuyển sinh ảm đạm như năm 2012 là câu hỏi đang chờ lời giải đáp từ Bộ GD&ĐT.