Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các trường dồi dào nguồn xét tuyển sinh đại học năm 2016

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học (ĐH) chính quy năm 2016 đã được Bộ GD&ĐT xác định sáng 28/7.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, năm nay nguồn tuyển dồi dào, thuận lợi cho các trường xét tuyển sinh.

Điểm sàn 15, hệ số dôi dư 1,27

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được xác định dựa trên 3 yếu tố, quan trọng nhất là yếu tố chất lượng. "Bộ đã phân tích phổ điểm các môn thi để xác định ngưỡng phù hợp. Kết quả thi năm 2015 và 2016 có những môn điểm lệch về phía bên phải (điểm cao), nhất là khối A, cho thấy chất lượng tổng thể tăng đều qua các năm" - ông Ga cho hay. Thứ hai, dựa trên chỉ tiêu của các trường đã đăng ký, tức là năng lực đào tạo tối đa. Thế nên nếu các trường không tuyển đủ chỉ tiêu cũng là bình thường.
Phụ huynh đang được tư vấn chọn ngành cho thí sinh. Ảnh: Trần Oanh
Phụ huynh đang được tư vấn chọn ngành cho thí sinh. Ảnh: Trần Oanh
Năm nay, một số thí sinh (TS) được xét tuyển học bạ qua đề án tuyển sinh riêng của hơn 100 trường, nên Bộ chỉ tính những em dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển học bạ. Vì thế, trên tổng số hơn 420.000 chỉ tiêu vào ĐH, trừ đi 102.000 chỉ tiêu xét qua học bạ còn khoảng 320.000 chỉ tiêu. Thứ ba, phương án xét tuyển đặc thù của các trường, ngoài các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D) còn có những tổ hợp khác, nên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã xác định nguồn tuyển nhất định, và nguồn tuyển thực tế dư ra khá nhiều so với số xác định.

Tại cuộc họp sáng 28/7, ban đầu Bộ đưa ra 3 phương án điểm sàn: 15,5 điểm - 15 điểm - 14,5 điểm. Cũng có ý kiến đề nghị khối A, A1, B, C điểm sàn 15, khối D 14 điểm; cũng có băn khoăn về điểm khối D, nhưng các trường quyết tâm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Vì thế, Hội đồng đảm bảo chất lượng đầu vào thống nhất cao mức điểm 15 áp dụng cho tất cả các khối, kể cả các tổ hợp mới được các trường bổ sung. "Với ngưỡng điểm 15 áp dụng cho các khối thi truyền thống, hệ số dôi dư là 1,27. Đây là hệ số dôi dư tối thiểu, vì các khối thi khác không tính vào đây, nên thừa rất nhiều so với chỉ tiêu, giúp các trường dồi dào nguồn tuyển" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.

Điểm chuẩn trường top đầu không thay đổi nhiều
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga lưu ý, sau khi có thông báo trúng tuyển, TS nộp giấy báo kết quả thi cho trường để khẳng định việc vào học. Qua đây, các trường biết có bao nhiêu TS vào học trường mình, nếu thiếu sẽ gọi bổ sung. Nếu TS không nộp giấy báo kết quả thi, coi như không trúng tuyển.

Trước băn khoăn về điểm tiếng Anh thấp gây khó về nguồn tuyển cho các trường xét tuyển khối D và tổ hợp có môn này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, từ năm 2015, Ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc. Nhiều TS thi môn này thể hiện quyết tâm dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường, tuy nhiên để thay đổi chất lượng cần có thời gian. Điểm tiếng Anh thấp, nhưng có nhiều em thi để xét tuyển ĐH đạt từ 5 trở lên, vì thế nguồn tuyển không hạn hẹp. Đối với vùng "3 Tây" (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), Bộ cân nhắc có cơ chế giảm điểm sàn xuống 1 điểm cho TS học tại các trường trong vùng. Hiện tại, Bộ đang xin ý kiến của Ban chỉ đạo vùng "3 Tây", nếu nhất trí sẽ thông báo cho các trường.

Đề thi phân hóa cao nên số TS đạt điểm tuyệt đối ít đi so với các năm trước, có thể khẳng định sẽ không có tình trạng TS 27 điểm vẫn trượt như năm ngoái. Tuy số TS đạt điểm tuyệt đối không nhiều, nhưng số em đạt điểm trung bình của các trường top đầu không xê dịch lớn, nên đa số sẽ nằm trong vùng dự tuyển của các trường. Trả lời về việc chuẩn bị thực hiện đăng ký xét tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đã hoàn tất. Từ chiều 28/7, các trường bắt đầu công bố điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển. Cũng trong chiều 28/7, Bộ mở phần mềm đăng ký trực tuyến để TS thử nghiệm, nếu trục trặc sẽ bổ sung. Từ 1/8, TS thực hiện đăng ký xét tuyển chính thức.