Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các trường lo lắng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2014, ngân sách Nhà nước chi cho ngành giáo dục giảm 10% so với năm 2013, trong khi có nhiều việc phải làm để thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

Vì thế, tại hội nghị Kế hoạch ngân sách năm 2014 các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT diễn ra sáng 27/12, đại diện nhiều trường lo lắng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. 

Cắt giảm tối đa

Ông Nguyễn Ngọc Vũ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ ưu tiên bố trí kinh phí cho cơ sở, cho nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện, cho các trường sư phạm. Vì ngân sách giảm nên năm 2014, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, các hoạt động phong trào, đi công tác, nhất là công tác nước ngoài. Tuy nhiên, trong việc thực hiện cắt giảm này, lương vẫn phải có đủ để đảm bảo đời sống cho cán bộ. 

Hầu hết các trường đều cảm thông với Bộ GD&ĐT về việc ngân sách bị cắt giảm, tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo, lãnh đạo nhiều trường, đặc biệt là trường địa phương vẫn đề xuất được đầu tư thêm kinh phí. ĐH Nha Trang đề nghị Bộ cân nhắc hợp lý cho những trường đào tạo ngành phục vụ cho rừng, biển. Trong khi đó, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh lại mong Bộ quan tâm phát triển đào tạo giáo viên sư phạm kỹ thuật vì nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn. Trả lời về việc đầu tư cho các trường làm nghiên cứu khoa học, ông Tạ Đức Thịnh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường thông tin,  năm 2014, Bộ ưu tiên các nhiệm vụ thực hiện chương trình hành động đổi mới căn bản và toàn diện, nên những đề tài liên quan đến khoa học giáo dục sẽ được xem xét và triển khai.

Siết chỉ tiêu trong toàn hệ thống

Ông Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, trong năm 2014, Bộ GD&ĐT tiếp tục ổn định quy mô đào tạo ĐH, CĐ chính quy để nâng cao chất lượng. Các cơ sở đào tạo phải đảm bảo cân đối chỉ tiêu với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đội ngũ giảng viên dạy chuyên ngành. Điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghê, nông lâm, y dược, nghệ thuật. Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy xác định tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. 

Ông Vũ cho biết thêm, do tình trạng thừa giáo viên hiện nay nên chỉ tiêu đào tạo sư phạm sẽ điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên so với nhu cầu. Đối với nhóm ngành y dược, để đảm bảo chất lượng phải cụ thể chỉ tiêu đào tạo trong tổng chỉ tiêu. "Những trường nào tăng chỉ tiêu phải có giải trình. Chúng tôi sẽ siết chỉ tiêu, lấy chất lượng làm chính. Việc này sẽ được quán triệt trong toàn hệ thống" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh. Với kế hoạch tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ khoảng 7% và thạc sĩ khoảng 5%, một số trường ĐH vùng vẫn đề nghị tăng thêm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích, các trường tự xác định chỉ tiêu dựa vào quy định để đảm bảo chất lượng đào tạo, nếu trường nào xác định sai, Bộ sẽ cắt giảm.