Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các vườn hoa bị lấn chiếm: Chính quyền cơ sở làm ngơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã đầu tư một khoản kinh phí lớn để xây dựng, cải tạo lại một số công viên, vườn hoa hở trên địa bàn.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng, một số vườn hoa hở đã bị người dân chiếm dụng diện tích để kinh doanh, buôn bán…
 
Lấn chiếm tràn lan

Những công viên vườn hoa đã được xây dựng, cải tạo gồm Công viên Hòa Bình, Thống Nhất, Thủ Lệ và một số vườn hoa hở như Lý Tự Trọng, Công đoàn, Thủy lợi… Ngay sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả, là nơi nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn của người dân. Tuy nhiên, khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trôi qua, hiện một số vườn hoa hở đang bị người dân lấn chiếm sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị.

Để phục vụ bài viết này, chúng tôi đã mục sở thị tại một số vườn hoa hở và nhận thấy tình trạng lấn chiếm diễn ra tràn lan. Vườn hoa Lý Tự Trọng có tổng diện tích 16.172m2, với các quần thể kiến trúc với cây xanh, thảm cỏ, đường dạo, tượng đài... là điểm sinh hoạt văn hóa, giải trí của cộng đồng. Nhưng những vị trí "đắc địa" trong khuôn viên vườn hoa này đã bị một số người dân phân lô mở quán bán hàng, tập kết vật liệu xây dựng, căng lều bạt làm chỗ nghỉ chân, phơi quần áo, chăn màn… Anh Nguyễn Thành Nam (Thụy Khuê, Tây Hồ) bức xúc nói: "Trước đây, tôi thường dẫn con ra đây cho cháu chạy nhẩy vào buổi tối, nhưng bây giờ thì chịu, khuôn viên vườn hoa bị các hàng quán chiếm dụng gần hết. Người lớn đi bộ còn khó nói gì là trẻ nhỏ chạy chơi". Không những vậy, dù đã có biển "Cấm các loại phương tiện xe đạp, xe máy đi lại trong vườn hoa" tuy nhiên, tình trạng xe máy rồng rắn nối đuôi nhau chạy qua khuôn viên vườn hoa diễn ra khá phổ biến và nhiều nhất vào buổi sáng và chiều tối…

Tại vườn hoa ĐH Thủy lợi, vườn hoa Công đoàn… tình trạng vi phạm còn diễn ra phúc tạp hơn. Tại đây, thay vì bày bán hàng hóa trên đường giành cho người đi bộ như ở một số vườn hoa khác, một số người dân ngang nhiên bày bán hàng lên cả thảm cỏ nơi có biển cấm "Cấm giẫm lên cỏ", từ quán trà đá, hàng mũ bảo hiểm, khẩu trang, dây lưng ví da, các gánh hàng rong… Người bán đã vậy, khách hàng cũng "tự nhiên" không kém khi họ sẵn sàng ngồi lên thảm cỏ để ăn uống và đến khi họ bỏ đi cả cả vườn hoa biến thành một bãi rác thải tổng hợp. Theo ghi nhận của phóng viên, tại 2 vườn hoa này, ngày nào cũng có người quét dọn nhưng do lượng rác thải tập trung trên thảm cỏ nên việc quét dọn rất khó khăn.

Chưa làm tròn trách nhiệm

Đó là nhận định của lãnh đạo Xí nghiệp 3 thuộc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, đơn vị được giao duy tu, quản lý 2 vườn hoa Công đoàn và Thủy lợi. Hàng ngày tại đây, công nhân xí nghiệp đều có tổ duy tu, duy trì vườn hoa, vào cuối ngày các thảm cỏ, đường dạo đều được vệ sinh sạch sẽ, nhưng chỉ sau một đêm, đến sáng hôm sau, cả vườn hoa bị những người bán hàng biến thành một bãi rác, khiến lao công ngày nào cũng phải vất vả dọn dẹp. Còn việc ngang nhiên bán hàng trên thảm cỏ, xí nghiệp chỉ biết nhắc nhở chứ không thể đẩy đuổi được vì người bán hàng không sợ. Thỉnh thoảng có lực lượng dân phòng, công an phường đi qua giải tỏa, nhưng khi lực lượng này rút đi, vi phạm lại tái diễn.

Chị Nguyễn Thị Dung, công nhân Công ty Công viên cây xanh cho biết: Khủng khiếp nhất là khi tuyến đường Tây Sơn bị tắc, hàng trăm xe máy leo lên hè và đi vào các đường dạo trong công viên để tránh tắc đường khiến cho nhiều thảm cỏ, đường dạo bị vỡ nát vì xe máy đi qua…

Rất nhiều người dân thường xuyên đến nghỉ ngơi thư giãn tại các vườn hoa hở khi được hỏi đều cho rằng để xảy ra các vi phạm trên gây mất mỹ quan đô thị. Trước hết, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương nơi có vườn hoa. Bởi vi phạm xảy ra trên địa bàn thuộc họ quản lý nhưng việc kiểm tra, giải tỏa các vi phạm rất ít được triển khai. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng này để các vườn hoa sớm trở lại là điểm sinh hoạt văn hóa, giải trí của cộng đồng.