KTĐT - Khoảng 65% có phản ứng tốt khi thay đổi chế độ ăn là kết quả khảo sát của khoa Tiêu hóa, bệnh viện Addenbrooke (Cambridge, Anh) với hơn 500 bệnh nhân bị hội chứng IBS.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) gây khó khăn thậm chí là cản trở sinh hoạt hằng ngày, lao động và vui chơi. Bệnh thường khởi phát ở tuổi thiếu niên và thanh niên. Hiện chưa có thuốc điều trị bệnh này và cách duy nhất để “hạn chế” là thay đổi lối sống.
Làm thế nào để biết mình bị IBS
Viện NICE vương quốc Anh (National Institute for Clinical Excellence) cho biết: bất kỳ ai có biểu hiện nào trong số các triệu chứng dưới đây trong thời gian ít nhất 6 tháng thì được cho là mắc chứng IBS:
- Đau bụng và không thấy thoải mái
- Đầy bụng
- Thay đổi thói quen đường ruột
Đau bụng là triệu chứng chính của IBS, thường là đau ở vùng dưới rốn nhưng thỉnh thaỏng nó có thể đau ở bất kỳ vị trí nào ở vùng bụng. Nó có thể là tình trạng đầy hơi hay hoạt động của ruột mạnh hơn hay thường xuyên hơn so với bình thường.
Đầy hơi thường trở nên tồi tệ hơn sau bữa ăn và vào buổi tối. Nó có thể là kết quả của tình trạng táo bón hay thừa khí trong bụng. Bạn cũng có thể gặp phải tình trạng luân phiên khi đau bụng đi ngoài lúc táo bón. Bạn có thể cần vào nhà vệ sinh thường xuyên trong khi ăn hay ngay sau đó.
Các triệu chứng ít phổ biến hơn là buồn nôn, ợ nóng, ợ chua và giảm cảm giác thèm ăn, cảm giác no rất nhanh khi ăn, đau lưng, đau khớp và thở gấp.
Nếu đã từng có bất kỳ biểu hiện nào trong các triệu chứng trên, hãy lưu ý là chúng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh khác như bệnh đường ruột, loét ruột kết và ung thư ruột. Vì thế nhất thiết bạn phải đi khám chuyên khoa để có kết quả chính xác nhất.
Ăn để giảm hội chứng ruột kích thích
Khoảng 65% có phản ứng tốt khi thay đổi chế độ ăn là kết quả khảo sát của khoa Tiêu hóa, bệnh viện Addenbrooke (Cambridge, Anh) với hơn 500 bệnh nhân bị hội chứng IBS. Vì thế, hơn một nửa trường hợp mắc IBS là có thể ngăn ngừa bằng cách thay đổi thói quen ăn uống:
- Ăn nhiều bữa giúp hệ tiêu hóa hoạt động đều đặn.
- Ăn ít một và ăn thường xuyên. Ăn quá nhiều trong 1 lần có thể gây đầy bụng và tiêu chảy.
- Ăn chậm. Nuốt thức ăn quá nhanh có thể khiến bạn nuốt cả không khí và kết quả là gây sình bụng.
- Nhai thực phẩm kỹ để các enzyme trong nước bọt ngấm và thực phẩm, hỗ trợ đường ruột tiêu hóa 1 phần thức ăn.
- Uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước trắng. Uống nước kết hợp chất xơ sẽ giúp chống táo bón cũng như làm giảm tiêu chảy.
- “Bỏ qua” các thực phẩm béo ngậy. Một chế độ ăn cân bằng cần tập trung vào các thực phẩm có ít chất béo no, đường, các gia vị. Các thực phẩm béo ngậy có thể kích thích IBS tái phát vì chất béo sẽ kích thích gan tiết mật để “tiêu hóa” chúng. Mật có chứa axit và có thể gây kích thích vùng ruột nhạy cảm.
Những thực phẩm có thể gây ra hội chứng IBS gồm các món rán, các thực phẩm sữa nguyên kem, các loại thịt mỡ và sô-cô-la.
Các loại thảo dược hữu ích
Bạc hà: Tạp chí Y học Anh năm 2008 đã công bố bản báo cáo cho thấy gần 50% bệnh nhân IBS có thể giảm triệu chứng khi uống dầu bạc bà. Bạn có thể uống trà bạc hà, nước cốt bạc hà hay các thực phẩm có chứa bạc hà.
Can-xi: Một số bệnh nhân có thể uống bổ sung can-xi để chữa tiêu chảy. Các nhà khoa học giải thích rằng can-xi sẽ làm chậm hoạt động của nhu động ruột.
Nghệ: Các nghiên cứu cho thấy nghệ có thể giúp giảm các vấn đề tiêu hóa nhờ các chất kháng viêm và khả năng làm giảm hoạt động của nhu động ruột. Khuyến nghị liều 500mg nghệ ở dạng đặc chế mỗi ngày cho đến khi triệu chứng được cải thiện.