Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách xử lý khi phát hiện trẻ tham gia trò chơi tự sát kinh dị Momo

Trần Nga - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia tâm lý, để trẻ tránh xa các trò chơi nguy hiểm đến tính mạng, phụ huynh cần để ý thường xuyên đến cảm xúc của trẻ nhằm sớm nhận ra những biểu hiện bất thường, đồng thời hướng trẻ đến các hoạt động tập thể, giao lưu bạn bè.

PGS.TS Trần Thành Nam -  Chuyên gia tâm lý, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, những người tham gia vào các trò chơi này thường không nhận được sự động viên, cô đơn trong cuộc sống. Họ muốn được chia sẻ, muốn có những người tán thưởng mình vì những hành động dũng cảm, liều lĩnh gây hại cho bản thân. Từ đó, trở thành các “miếng mồi” ngon cho những trò chơi này.
 Ảnh chụp màn hình video xuất hiện nhân vật Momo
Theo PGS Thành Nam, với những tên tội phạm đã từng bị xử lý thì cần phải công bố thông tin, truyền thông một cách minh bạch. Qua đó, để mọi người, trong đó có thanh thiếu niên đã tham gia vào diễn đàn thấy hành động thiết kế ra những trang ứng dụng, trò chơi hướng dẫn tự sát là vi phạm pháp luật.
“Những kẻ sáng lập ra các trò chơi, video với những hành động nguy hiểm này thực ra có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những kẻ đó cho rằng mình có quyền lực trong việc tác động những người khác, bằng hình thức bắt nạt, o bế” – PGS Thành Nam nhấn mạnh.
PGS Nguyễn Thành Nam khuyến cáo, phụ huynh cần dạy cho con mình phản ứng với những lời dẫn dụ, đe doạn trên mạng. Tất cả những thông tin lôi kéo, dẫn dụ ban đầu phải được lưu lại để làm bằng chứng.
 Phụ huynh cần kiểm soát nội dung video trẻ xem trên youtube
Về phía nhà trường, cần có hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn. “Nên định hướng cho trẻ khi lên mạng intenet phải biết được thế nào là tình huống an toàn, không an toàn. Trước khi mình phát ngôn thì phải nghĩ đến yếu tố có an toàn hay không. Người sử dụng mạng phải có trách nhiệm kiểm chứng thông tin, báo những hiện tượng không phù hợp (quấy rối, bắt nạt, dẫn dụ) để tham gia vào những nội dung xấu cho người khác biết” – chuyên gia tâm lý Thành Nam nhấn mạnh.
Thực tế, tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận không ít trẻ mắc rối loạn tâm thần do nghiện game hoặc do tiếp xúc quá nhiều với tivi, ipad. Trong đó, nhiều trẻ có hành vi tự hành hạ bản thân như đập đầu vào tường, tự cào cấu, nhổ tóc, thậm chí dùng dao rạch da mình.
Do đó, các chuyên gia y tế cảnh báo, khi thấy trẻ có các biểu hiện như giao tiếp xã hội và tương tác xã hộ suy yếu, kéo dài, không thể duy trì cuộc đối thoại, giảm chia sẻ hứng thú, cảm xúc, có biểu hiện bất bình thường trong tương tác bằng mắt và cơ thể…cần sớm đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để thăm khám và điều trị.