Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, sốt là dấu hiệu thường gặp nhất khi trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn. Các bệnh nhiễm khuẩn phổ biến ở trẻ nhỏ và gây sốt cao là viêm nhiễm đường hô hấp, viêm tai giữa, tiêu chảy... Ngoài ra, trẻ có thể bị sốt virus hay sốt xuất huyết.
Khi trẻ bị sốt nhẹ và vừa (thân nhiệt từ 37,5oC đến 38oC), có thể chưa cần dùng đến thuốc hạ nhiệt, mà cho trẻ nằm nơi thoáng mát, cởi bớt quần áo, đắp khăn ướt ấm lên trán, nách và vùng bẹn, hoặc lau người bằng khăn ấm.
Khi thấy trẻ sốt cao trên 38,5oC, cần dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, khoảng thời gian giữa hai lần uống thuốc ít nhất là 4 - 6 giờ; không được cho trẻ uống quá 5 lần paracetamol/ngày vì có nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho gan của trẻ. Một số trường hợp trẻ sốt cao có thể bị co giật. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, nếu không uống được thì dùng viên đặt hậu môn với hàm lượng thuốc tùy thuộc vào cân nặng của trẻ, đồng thời cho trẻ uống nhiều nước, lau, chườm khăn ấm khắp người để hạ sốt nhanh. Tuyệt đối không được ủ kín trẻ. Không nên tìm cách chống lại cơn co giật của trẻ bằng cách ghì trẻ thật chặt vì có thể gây tổn thương ở một số bộ phận cơ thể, hoặc có thể làm gãy xương trẻ.
Hiện nay, nhiều công ty quảng cáo miếng dán hạ sốt, có thể giảm nhanh cơn sốt cho trẻ, tuy nhiên, theo PGS.TS Dũng, với biện pháp đắp lạnh để hạ sốt hoàn toàn không nên. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, không sử dụng biện pháp chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các biện pháp chườm lạnh tại chỗ, nếu chỉ chườm từng vùng trán, nách… không có tác dụng hạ sốt.
Bên cạnh đó, các thành phần của miếng dán nếu thấm qua da có thể gây nguy hiểm, một số trẻ có thể bị dị ứng với các thành phần trong đó. Chẳng hạn như menthol là tinh dầu bạc hà, có tích kích ứng mạnh. Vì vậy, tại bệnh viện, các bác sĩ không khuyến khích dùng miếng dán cho trẻ vì da bé rất nhạy cảm nên dễ gây kích ứng, đôi khi có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Đặc biệt, trong và sau khi trẻ bị sốt, cần cho trẻ uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả tươi, hoặc ăn thêm hoa quả để bù lại lượng nước bị mất do sốt. Oresol là dung dịch cần thiết sử dụng khi trẻ bị sốt cao kéo dài để chống mất nước. Tuy nhiên, cần phải pha dung dịch này theo tỷ lệ được hướng dẫn, tránh chia nhỏ pha từng phần một, dung dịch pha xong phải sử dụng trong vòng 24 giờ. Không pha thuốc với nước khoáng, vì trong nước khoáng có sẵn các ion điện giải làm sai lệch tỷ lệ các chất điện giải được quy định. Đặc biệt, phụ huynh cũng nên lưu ý, tuyệt đối không dùng các loại nước ngọt có gaz để bù nước cho trẻ.