1.Trong bảy vòng V-League đầu tiên đã có tám trận trọng tài mắc lỗi làm thay đổi kết quả, chiếm tỷ lệ sai sót gần 17%. Giải hạng Nhất thì số trận trọng tài gặp sai lầm còn nhiều hơn, 5/24 trận. Dường như những sai sót của trọng tài trong điều hành đang gây nhiều tranh cãi trên khắp các mặt báo, các CLB Nam Định, SLNA, TP.HCM, dư luận người xem rất bất bình.
Nhưng sai lầm của trọng tài ở các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam dường như đã mang tính hệ thống trong những năm qua với quá nhiều lần kỷ luật, xử phạt mà vẫn chưa thấy giảm bớt. Điều đáng báo động là tỷ lệ sai phạm của các trọng tài ở mùa giải năm nay có chiều hướng tăng vọt nếu nhìn vào thống kê của VFF vừa qua.
Cảnh thường ngày ở sân cỏ Việt Nam. Ảnh màn hình |
Ban trọng tài của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa đưa ra án kỷ luật dành cho trọng tài điều hành trận Dược Nam Hà Nam Định thua Hải Phòng 0-2 ở vòng 6. Nhưng đến trận Nam Định lại tiếp tục tố tổ trọng tài bỏ qua 3 tình huống bóng chạm tay cầu thủ Sài Gòn FC trong khu vực cấm ở trận đấu vòng 10 khiến họ không được hưởng đá phạt 11m.
Những VFF vẫn phải ra án phạt dành cho tổ trọng tài điều hành trận đấu trên sân Thống Nhất giữa đội TP Hồ Chí Minh và Hà Nội FC ở vòng 11. Lỗi không xử lý hai tình huống bóng chạm tay cầu thủ Hà Nội trong vòng cấm, gây bất lợi về tâm lý và phần nào là nguyên nhân khiến đội chủ nhà thua trắng 0-3
Với hành loạt “tiếng còi lạ” nhưng thay vì tìm các giải pháp chấn chỉnh, VFF lại quyết định yêu cầu các CLB phải thực thi “luật im lặng” sẽ không làm cho các đội bóng phục tùng. Không phải chỉ bóng đá, trong cuộc sống có ai bị oan ức mà lại im lặng chấp nhận? Ngay cả ông Dương Văn Hiền, trưởng ban trọng tài cũng dùng báo chí để “đỡ đòn” cho các ông “vua sân cỏ” liệu có sai luật không?
2. Câu chuyện CLB Quảng Ninh “rút củi khi cơm đang sôi” đã khiến chính cổ động viên đất Mỏ thấy bị tổn thương, tình yêu không giới hạn của họ đã bị tổn thương. “Vậy là hành trình 7 năm với bao buồn vui, bao chuyến đi xa cùng Than Quảng Ninh của tôi cũng cần dừng lại. Tôi phải dừng lại để chiêm nghiệm, để biết thêm giá trị của đam mê. Tôi yêu bóng đá, yêu cầu thủ bởi tình yêu với niềm tự hào của mình. Thiêng liêng lắm 2 chữ Quảng Ninh”, một nữ cổ động viên Quảng Ninh chua chát viết trên mạng xã hội.
Yêu đến thế này mà rốt cuộc, CĐV Quảng Ninh vẫn bị phản bội. Ảnh CĐV QN |
Đến giờ Than Quảng Ninh vẫn chưa hề có động thái nào giải thích về thương vụ cho mượn 3 cầu thủ Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú và Andre Fagan. Nhưng cái mà các cầu thủ trong cuộc cho rằng mình ra đi để đàn em phát triển không được ai chấp nhận. Trên thế giới chả có ai như Than Quảng Ninh đang xếp thứ 3, vẫn có cơ hội đua vô địch nhưng lại nhường 3 ngôi sao đến “cứu viện” cho Hải Phòng lo trụ hạng.
Cuộc bí mật “đẩy” bộ đôi người Jamaica đang chơi rất hay tại sân Lạch Tray là Andre Fagan và Jeremie Lynch sang Quảng Ninh và giờ đây là “phi vụ” cho mượn người bất ngờ của đội bóng đất vùng Mỏ cho thấy có rất nhiều “bí ẩn” sân cỏ Việt. Khi kinh phí bóng đá không xuất phát từ tiền bán vé, đồ lưu niệm và bản quyền truyền hình thì bóng đá Việt còn rất nhiều chiêu trò của các ông chủ CLB. Không ít người vẫn tuyên bố “tình cảm của các cổ động viên giành cho CLB là vô giá” nhưng chỉ cần được giá là người ta sẵn sàng “bán đứng” không thương, tiếc.