Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách hành chính các thủ tục trong bộ máy nhà nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính thông qua việc ban hành kế hoạch, kiểm tra, tuyên truyền và thực hiện các nội dung cải cách hành chính. Kết quả đạt được khá toàn diện, tuy vẫn còn không ít lĩnh vực cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh cải cách.

Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng cấp hoàn thiện bộ phận và mở rộng lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử, tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại hóa nền hành chính và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008. Đi đầu trong lĩnh vực này là Thành phố Hà Nội với việc tăng cường ứng dụng họp trực tuyến, đưa tiêu chí ứng dụng họp trực tuyến của các sở, ngành, quận, huyện vào kết quả đánh giá xếp loại ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố hằng năm. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quận, huyện xây dựng đề án thí điểm thực hiện “cơ quan điện tử”.

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:

Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp cần phải chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; hoàn thiện Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; hoàn thiện, triển khai cơ chế một cửa liên thông hiện đại tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương; ban hành các văn bản thay thế, sửa đổi các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị.

Triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, mở rộng lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan, ban, ngành và địa phương.