Tuy nhiên, xét trong từng chỉ số thành phần thì một số tiêu chí điểm còn khiêm tốn, cho thấy TP cần có những giải pháp đột phá, sáng tạo, toàn diện hơn nữa, để ngày càng cải thiện chất lượng phục vụ người dân.
Sớm ban hành kiến trúc chính quyền điện tử
Năm 2018, Hà Nội tiếp tục được T.Ư đánh giá cao về công tác CCHC, đặc biệt tính năng động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành cũng như tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm kỷ cương hành chính. Nhiều sáng kiến CCHC đem lại hiệu quả cao trong công việc.
Có tới 7/8 chỉ số thành phần được Bộ Nội vụ chấm trên 80%, trong đó các chỉ số hiện đại hóa hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức (CBCC) được đánh giá rất cao. Điều tra xã hội học của TP cũng cho thấy tỷ lệ hài lòng đạt cao 81,25%.
|
Cán bộ UBND huyện Sóc Sơn hướng dẫn cho người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng |
Dù vậy, xét riêng chỉ số thành phần “chỉ đạo, điều hành CCHC”, tuy Hà Nội được T.Ư chấm cao (81%) song còn tiêu chí thành phần chưa đạt điểm tối đa. Đặc biệt, chỉ số thành phần “hiện đại hóa hành chính” được điểm cao nhất trong 8 lĩnh vực với 89%, đứng đầu cả nước với nhiều nội dung đạt tối đa, song phân tích cho thấy một số tiêu chí thành phần chưa đạt điểm cao, nhất là “triển khai kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh” không được điểm nào, do TP chưa ban hành; “tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm” cũng không được điểm.
Trước những hạn chế này, UBND TP đề nghị Sở TT&TT thực hiện nghiêm báo cáo định kỳ về kết quả ứng dụng CNTT; Văn phòng UBND TP giúp UBND TP đôn đốc các cơ quan hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao TP.
Để tăng cường hiện đại hóa hành chính, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở TT&TT sớm trình UBND TP ban hành và triển khai kiến trúc chính quyền điện tử của TP, có giải pháp tăng tỷ lệ TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm để đạt ít nhất 60%.
"Mục tiêu quan trọng phường đặt ra năm nay là duy trì mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của chính quyền đạt 95%. Muốn vậy, UBND phường sẽ tổ chức ít nhất 2 hội nghị đối thoại với người dân về các vấn đề liên quan giải quyết TTHC, định kỳ đánh giá chỉ số CCHC của phường." - Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn Ngô Thị Minh Hằng |
Đáng chú ý, chỉ số thành phần “cải cách tài chính công” được điểm thấp nhất trong 8 lĩnh vực, chỉ đạt 77%, trong đó nhiều nội dung hạn chế như: Thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN hàng năm; tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính - ngân sách; tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí của cơ quan...
Chỉ số thành phần này thấp cũng do TP chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng theo Nghị định 152/2017/NĐ-CP và tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng theo Quyết định 50/2017/QĐ-TTg. Vì vậy, UBND TP yêu cầu Sở Tài chính sớm trình UBND TP ban hành hai tiêu chuẩn, định mức này. Đồng thời tham mưu UBND TP chỉ đạo các cơ quan chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí của cơ quan... Sở cũng cần tổ chức thực hiện nghiêm kiến nghị sau thanh, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính - ngân sách.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Bên cạnh không ngừng hiện đại hóa hành chính, nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, cải cách tài chính công, TP cũng đề nghị các cơ quan có giải pháp quyết liệt hơn trong cải cách TTHC, bởi tuy chỉ số thành phần này được chấm 88%, xếp thứ hai trong các chỉ số thành phần, song trong đó không ít tiêu chí được đánh giá chưa cao: Tiêu chí “kết quả giải quyết hồ sơ hành chính” mới đạt 4,49/4,5 điểm do có những hồ sơ bị giải quyết chậm muộn ở một số cơ quan; tiêu chí “xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh” không được điểm nào, do còn một số phản ánh kiến nghị chưa được xử lý kịp thời.
Do đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Văn phòng UBND TP nhanh chóng tham mưu UBND TP có biện pháp đảm bảo 100% hồ sơ được các cơ quan thuộc TP tiếp nhận phải giải quyết đúng hạn; các phản ánh khiếu nại phải được xử lý kịp thời...
Để ngày càng tăng chất lượng phục vụ người dân, UBND TP cũng đề nghị Sở Nội vụ - cơ quan thường trực về CCHC tích cực tham mưu UBND TP có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC.
Bởi qua chấm điểm chỉ số thành phần “xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC” của TP, còn không ít tiêu chí chưa đạt điểm tối đa, như “chấp hành kỷ cương hành chính của CBCCVC”, “tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ cấp xã” , “năng lực của CBCC phối hợp xử lý công việc”… Nhất là vẫn có tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm; công chức lợi dụng chức vụ để trục lợi trong phối hợp xử lý công việc.
Để duy trì Chỉ số CCHC, nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính những năm tới, Chủ tịch UBND TP nêu rõ: Các cơ quan vừa cải thiện những lĩnh vực CCHC, các yếu tố của Chỉ số hài lòng đã đạt được chỉ số thành phần cao; vừa quán triệt ngay nội dung Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng năm 2018, đề ra giải pháp khắc phục tồn tại. Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao sự ủng hộ của người dân, DN về CCHC và sự phục vụ của cơ quan hành chính trong cung cấp dịch vụ công; kịp thời cụ thể hóa chỉ đạo của TP về CCHC thành kế hoạch của cơ quan mình, bố trí đủ nhân lực, kinh phí cho CCHC.
Đặc biệt, cần chú trọng bồi dưỡng năng lực, kỹ năng ứng xử của CBCC trực tiếp tiếp dân, tiếp nhận giải quyết TTHC; khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể có sáng kiến trong công việc và xử lý nghiêm vi phạm…
Các sở, ngành, quận, huyện đầu năm nay đã đề ra những giải pháp quyết liệt nhằm khắc phục ngay hạn chế trong CCHC. Đơn cử như tại thị xã Sơn Tây, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Đỗ Thị Lan Hương thừa nhận: Một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo thực hiện CCHC, thiếu biện pháp khắc phục dứt điểm khuyết điểm nên hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn chưa kịp thời kiểm tra, hướng dẫn cơ sở cụ thể; giải quyết TTHC ở một số phòng, xã, phường vẫn có hồ sơ chậm muộn. Do đó, thị xã xác định năm nay phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhất là sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn - yếu tố quyết định hiệu quả CCHC...
Bộ Nội vụ khai trương bộ phận “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính Chiều 17/6, Bộ Nội vụ đã khai trương Bộ phận Một cửa (BPMC), Một cửa liên thông (MCLT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Theo Văn phòng Bộ Nội vụ, đến nay Bộ đã xây dựng, công bố 235 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết từ cấp T.Ư đến cấp xã. Thực hiện Nghị định 61 ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, MCLT và Quyết định của Thủ tướng về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hệ thống quản lý văn bản và một cửa điện tử tại Bộ Nội vụ. Theo đó, giao Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp Trung tâm Thông tin và đơn vị cung ứng dịch vụ Viettel cùng các đơn vị có TTHC xây dựng và trình Bộ trưởng quyết định về thành lập BPMC, quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận này theo cơ chế một cửa, MCLT trong giải quyết TTHC tại Bộ... Đến nay, Bộ Nội vụ là bộ thứ ba của cả nước chính thức khai trương BPMC trong giải quyết các TTHC. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Để triển khai có hiệu quả BPMC, giảm thủ tục phiền hà cho người dân, tổ chức trong giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, toàn thể CBCCVC Bộ Nội vụ cần nêu cao ý thức trách nhiệm, nghiên cứu đề xuất cho lãnh đạo Bộ tạo bước đột phá trong cải cách TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. |