Cái khó trong cải cách hành chính ở Việt Nam là phải tiến hành một cuộc cải cách hành chính có tính chất cách mạng từ quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang quản lý trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng dân chủ. Để đảm bảo cho sự thành công của cải cách hành chính chúng ta cần: Sự quyết tâm của nhà lãnh đạo trong công việc cải cách về mọi mặt đất nước. Đội ngũ cán bộ - những người vừa quyết tâm thực hiện đường lối lãnh đạo của cấp trên, vừa có kiến thức về lý thuyết cũng như thực tiễn quản lý hành chính và trong công cuộc cải cách hành chính. Sự đồng tình, mong muốn, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội đối với công cuộc cải cách. Như vậy, sự thành công hay thất bại trong cải cách hành chính trước hết phải nói đến yếu tố con người. Và cụ thể, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò hết sức quan trọng trong cải cách hành chính Nhà nước. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trong thời gian tới cần phải: Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Vì nhân tố con người luôn là nhân tố quyết định thắng lợi mọi công việc. Tôi đề xuất như sau cần xây dựng một cơ chế tiền lương và chính sách đãi ngộ thỏa đáng để đội ngũ công chức yên tâm làm việc lâu dài và cống hiến với khả năng cao nhất năng lực, trình độ của mình cho cơ quan, đơn vị, qua đó thu hút những người giỏi, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tâm huyết. Bên cạnh đó cần phải khuyến khích cán bộ, công chức tự học tập để nâng cao trình độ và năng lực thực thi nhiệm vụ. Đồng thời có cơ chế ưu đãi thích hợp để tiếp tục thực hiện tinh giảm biên chế trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tạo điều kiện trẻ hóa, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà Nước. Đối với từng cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm giáo dục cán bộ, công chức tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa hành chính trong thi hành công vụ. Thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan khi xảy ra tiêu cực, chậm trễ khi giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Đưa ra khỏi bộ máy Nhà Nước những cán bộ, công chức thái hóa, biến chất, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà Nước. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêm, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy Nhà Nước. Người ta thường hay nói lãnh đạo phải có tầm và phải có tâm. Ý rằng có người có tầm nhưng không có tâm và ngược lại người có tâm lại không có tầm. Nhưng thực ra, cái tâm và cái tầm thường đi đôi với nhau. Cái tầm sinh ra cái tâm, cái tâm nâng cái tầm. Tâm tầm thường mong chi có tầm cao.Các lãnh đạo cũng phải xây dựng được cho mình một đội ngũ nhân sự tận tụy với công việc, có tinh thần hợp tác và vì mục tiêu chung. Cải cách hành chính vừa là mục tiêu, đồng thời là động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội không của riêng đất nước ta mà còn tạo môi trường liên kết với các quốc gia trên thế giới, các hoạt động kinh tế, văn hóa toàn cầu. Ở Việt Nam, cải cách hành chính không chỉ đơn giản nhằm giảm phiền hà, tinh giản thủ tục hành chính mà còn tạo môi trường thông thoáng, tạo đà cho sự phát triển nhiều mặt, nhiều lĩnh vực khác nhau của đất nước, trong đó thể hiện ở việc góp phần không nhỏ vào phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nước và nước ngoài. Cải cách hành chính không tách rời sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Mục tiêu cải cách hành chính không nằm ngoài mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ. Cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ cả ở các mặt: Cải cách thể chế hành chính, cải cách bộ máy hành chính và chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ở các cấp, các nghành từ Trung ương đến cơ sở. Từ các đặc điểm trên cho thấy, cải cách hành chính ở Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu cấp bách, xuất phát từ nội tại đất nước, con người, xã hội Việt Nam, cùng với những nhân tố tác động từ bên ngoài, đó là xu thế toàn cầu hóa và yêu cầu hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Do vậy, cải cách hành chính ở nước ta là một quá trình lâu dài, khó khăn; vừa là vấn đề lý luận phức tạp vừa là vấn đề thực tiễn nóng bỏng. Cải cách hành chính ở nước ta chỉ đạt được hiệu quả cao khi được nghiên cứu một cách toàn diện: Từ nhận thức các đặc điểm, xác định quan điểm, nguyên tắc đến việc xây dựng chiến lược nhất quán, dài hạn, có kế hoạch chặt chẽ, kỹ lưỡng và có lộ trình, bước đi cụ thể.