Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách thủ tục hành chính: Không chỉ ở con số cơ học

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo con số được đưa ra tại cuộc tổng kết 10 chiến lược cải cách hành chính vừa qua cho thấy, tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu đồng ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

 Giải quyết thủ tục hành chính tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Đó quả thực là con số rất lớn, bước đầu đáp ứng sự mong đợi người dân, DN.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, quản lý và giải quyết TTHC đã định hình một nền hành chính công minh bạch (tới quí II/2020, số DVCTT mức 3 cả nước là 38.833, mức 4 là 17.959 dịch vụ). Người dân không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC cũng tạo ra sự minh bạch, chống được những hệ lụy không đáng có. Bởi thế, với những kết quả đáng kể ấy đã có phần nào rút ngắn hơn nữa quyết tâm và hành động, khắc phục việc phát sinh các chi phí không chính thức, nhiều “cửa”, nhiều “khóa”…

Nhưng thực tế, dù hàng loạt TTHC đã được rút ngọn song ở nhiều nơi, việc thực hiện các TTHC không chậm song vẫn dừng ở cụm từ rất quen là “đúng quy trình”. Cùng với đó, một vấn đề nhiều người đặt ra rằng, tại sao cùng một thủ tục đó, có đơn vị có thể thực hiện trong ngày, nhưng có nơi vẫn phải hẹn mấy ngày mới xong? Do đó, những yêu cầu đặt ra trong cải cách hành chính cũng phải mạnh mẽ, "nét" hơn và thực chất hơn nữa vẫn được nhắc đến. Trong đó, không phải cứ cắt giảm, đơn giản hóa xong TTHC cho đủ chỉ tiêu, đủ con số để báo cáo là được, mà trong quá trình thực hiện phải rà soát lại những thủ tục đã cắt giảm để kiểm tra thực hiện đã đúng thực chất hay chưa. Tránh tình trạng cắt giảm cái này lại cài cắm các điều kiện, thủ tục khác gây khó khăn cho DN, người dân. Thậm chí, nhiều nơi còn có hiện tượng làm chưa thực chất, cắt giảm cơ học lấy con số thay vì cắt giảm điều kiện không cần thiết, các thủ tục gây rào cản...

Cùng với đó, một vấn đề nữa cũng được nói đến trong quá trình cải cách hành chính là bộ máy. Như những con số đưa ra cho thấy, con số tinh giản bộ máy trong những năm qua đã đạt được không hề nhỏ từ cấp T.Ư đến địa phương, tuy nhiên tình trạng cồng kềnh, chồng chéo về chức năng ở một số bộ, ngành, đơn vị là vấn đề vẫn được nhắc đến. Đồng thời với đó, trước những ý kiến đề xuất cần thành lập thêm các bộ như Bộ Thanh niên, Công tác quản lý phụ nữ cũng gây ra những băn khoăn. Từ đó đòi hỏi việc nghiên cứu kỹ càng, cân nhắc thực tiễn, tránh phát sinh bộ máy là điều cần thiết bởi sự cồng kềnh chưa khắc phục được triệt để.

Không chỉ dừng ở con số, yếu tố “thực chất” có lẽ luôn phải đặt lên hàng đầu. Đồng thời, thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách đã triển khai; kiên quyết không để phát sinh thêm các thủ tục không cần thiết. Đó là yêu cầu Chính phủ đã đặt ra và cũng là mong muốn của người dân, DN trước những quyết tâm cải cách hành chính.