Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách thuế của Mỹ sẽ khơi mào cuộc chạy đua thương mại mới

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự luật cải cách thuế được Tổng thống Trump ký thông qua thành luật cuối tuần trước đang khiến nhiều nước lo ngại về cuộc đua giảm thuế trên toàn cầu.

Mức thuế mới được giảm xuống còn 21% từ 35% đã đưa Mỹ từ một trong những quốc gia có mức thuế DN cao nhất trên toàn cầu gia nhập danh sách các nước có mức thuế thấp. Trong nhiều năm qua, các quốc gia đã sử dụng mức thuế thấp làm lợi thế cạnh tranh với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các quốc gia như Australia, Pháp, Đức và Nhật Bản - tất cả đều có thuế DN  ít nhất là 30% - nay sẽ chịu áp lực phải chạy theo cuộc đua giảm thuế để giành lại lợi thế cạnh tranh.
 Chính sách cải cách thuế của Mỹ đang gây lo ngại.
Andrew Mackenzie - Giám đốc điều hành của công ty khai thác mỏ khổng lồ BHP, có trụ sở chính tại Australia cho rằng, việc giảm thuế “khủng” của Mỹ sẽ trở thành động lực lớn đối với các chính phủ khác cũng phải giảm thuế theo, nếu muốn kêu gọi đầu tư nhiều hơn, đồng thời sẽ gây ra áp lực cho một đợt cắt giảm thuế mới.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nâng khả năng dự báo về viễn cảnh của một cuộc chiến thương mại sau khi kế hoạch cải cách thuế của Mỹ được hiện thực hóa thành luật. Điều này có nghĩa là các nước châu Âu có thể phản đối luật thuế mới của Mỹ trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong một động thái tương tự, các quan chức Trung Quốc cũng đang chuẩn bị các biện pháp phòng thủ để bảo vệ nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của đất nước.
Trung Quốc, một mục tiêu bị chỉ trích thường xuyên của ông Trump về các hoạt động thương mại, cũng có thể bị buộc phải gia nhập cuộc đua này.
Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao đã tuyên bố "thực hiện các biện pháp chủ động" để đối phó với việc cuộc cải cách thuế của Washington. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, tác động của việc thay đổi chính sách thuế trong nền kinh tế lớn nhất thế giới là không thể bỏ qua. Hiện nay, lấy đội ngũ lao động giá rẻ, cơ sở hạ tầng làm lợi thế thu hút đầu tư nên Bắc Kinh đang đánh thuế DN 25%, chưa kể khoản phí bảo hiểm xã hội.
Ngay cả khi chính sách thuế chưa có hiệu lực, cuộc cải cách thuế này đã gây ra ảnh hưởng cho các nền kinh tế châu Á. Tháng 11 vừa qua, Tập đoàn bán dẫn lớn thứ 5 thế giới Broadcom, đã quyết định dời trụ sở chính từ Singapore về Mỹ trước cả khi Tổng thống Mỹ ký thông qua dự luật.
Ông Junichi Fujii, Giám đốc cấp cao về dịch vụ thuế tại Công ty PwC nhận định, Malaysia và Indonesia vốn có thuế doanh nghiệp cao hơn mức 21% của Mỹ sẽ phải đối mặt với các thách thức từ cuộc cải cách thuế này. 
Còn Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) - 2 nền kinh tế bị giới hạn bởi quỹ đất - buộc phải sử dụng chính sách thuế ưu đãi (khoảng 17%) làm yếu tố thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, với việc Mỹ giảm thuế DN xuống còn 21% thì lợi thế này sẽ không còn tác dụng. Tương tự, Hồng Kông cũng sẽ sớm phải tìm cách tăng sức cạnh tranh khi mức thuế DN 16,5% bị giảm lợi thế.