Các quan chức trong chính quyền Washington nhận định, khác với dự luật chăm sóc y tế do Tổng thống Donald Trump đề xuất (Trumpcare) để thay thế chương trình bảo hiểm của cựu Tổng thống Barack Obama (Obamacare), việc cải cách thuế sẽ dễ dàng được Quốc hội thông qua.
Theo đó, việc cắt giảm thuế sẽ diễn ra đồng thời với cả các cá nhân và các tập đoàn. Dù không tiết lộ chính xác mức thuế thu nhập DN được cắt giảm mà Chính phủ Mỹ sẽ đệ trình, nhưng dự kiến con số này sẽ “thấp hơn đáng kể”. Dự kiến theo kế hoạch, thuế DN sẽ được hạ xuống còn 20% so với 35% hiện nay, đồng thời cắt giảm cho tầng lớp trung lưu và các mức thu nhập.
Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu dự luật cải cách thuế sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 8 tới. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer thừa nhận hạn chót này cho Quốc hội thông qua dự luật cải cách thuế là “một mục tiêu đầy tham vọng” cho một vấn đề khá phức tạp. Giới chức chính quyền ông Donald Trump khẳng định đây là một trong những mục tiêu mà Chính phủ Mỹ “quyết tâm thực hiện” với kỳ vọng lớn lao từ người đứng đầu Nhà Trắng.
Tuy nhiên, khó khăn cho ông Donald Trump và tân chính quyền là việc giảm thuế phải được bù lại bằng các khoản tiền tiết kiệm được từ việc thay thế Obamacare. Ông Trump ước tính khoản thâm hụt ngân sách Mỹ sau khi giảm thuế sẽ được “bù đắp” bởi khoảng 1.000 tỷ USD tiết kiệm được sau khi Obamacare bị hủy bỏ. Nếu không có các khoản tiền nhờ cắt giảm chi tiêu trong dự luật Trumpcare, bất kỳ khoản cắt giảm thuế nào cũng sẽ gây thâm hụt ngân sách liên bang. Đảng Cộng hòa nhiều năm phản đối Obamacare với nội dung yêu cầu bảo hiểm bắt buộc khiến giá phí tăng cao nhanh chóng. Nhưng chính đảng Cộng hòa cũng chia rẽ về giải pháp Trumpcare khi phe cực bảo thủ phàn nàn dự luật mới không triệt để loại bỏ Obamacare. Chia rẽ này đã khiến Trumpcare không đạt đủ số phiếu ở Hạ viện và ông Trump buộc phải cho rút dự luật ngay trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu. Đảng Cộng hòa nắm đa số ở cả lưỡng viện với 237 ghế ở Hạ viện trong khi chỉ cần 215 phiếu thuận để có thể đưa dự luật thông qua. Việc thông qua Trumpcare không thành đã khiến bài toán giảm thuế của ông Trump trở nên nan giải hơn. Ngoài việc xoa dịu lưỡng viện Quốc hội đang bị chia rẽ là vấn đề duy nhất trên con đường chiến đấu vì dự luật cải cách thuế, ông Trump còn phải tìm phương án lấp khoản thâm hụt tiềm tàng trên.
Nỗ lực xóa bỏ Obamacare không thành vừa qua đánh dấu thất bại lớn thứ ba chỉ trong 2 tháng nắm quyền của ông Trump sau sắc lệnh cấm nhập cảnh và những cáo buộc các nhân vật thân cận liên quan tới Nga. Thất bại với Trumpcare cũng đặt dấu hỏi về việc Tổng thống Mỹ sẽ giải quyết những người bảo thủ như thế nào khi đối mặt với các vấn đề lớn khác như kế hoạch chi tiêu 1.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng hay bức tường biên giới Mexico. Cùng với đó là khả năng hợp tác của ông Trump với nội bộ đảng và Hạ viện chia rẽ. Trong bối cảnh đó, kết quả cuộc chiến tiếp theo của ông Trump với dự luật cải cách thuế sẽ là câu trả lời chính xác nhất cho những nghi ngờ trên.