Mãi đến tuổi hưu, anh mới bước vào nghiệp văn chương bằng cuốn hồi ký về đời binh nhì mang tên "Có một thời như thế". Cuốn sách đã được nối bản nhiều lần, được cả những cựu binh đối phương trong cộng đồng người Việt ở Mỹ rất thích vì tính chân thực của nó khi viết về chiến tranh chống Mỹ. Hồi ký đã từng được đề cử vào giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam và đã tạo cơ hội để Võ Minh tham gia nhiều cuộc giao lưu, nói chuyện với thế hệ trẻ khắp mọi miền Tổ quốc.
Mới đây, Võ Minh lại tập hợp ký, truyện ngắn thành cuốn văn xuôi mang tựa đề "Nghị quyết cây khế". Ở cuốn sách, bên cạnh hai ký sự "Về lại chiến trường xưa" và "Về thăm thầy" giầu chất thơ, Võ Minh đã đưa ra một chùm truyện ngắn chứa đựng những trắc ẩn của cuộc sống hôm nay. Trong đó, "Ông Bường" nhằm chỉ trích khá nặng nề vào một bộ phận quan chức sa đọa, mất phẩm chất. "Chí Bựa về làng" lại hướng tới số trung gian nịnh thần, cậy nhờ "ô dù" nhưng lòng dạ bạc như vôi. "Hương cà phê" là giai điệu ngợi ca chất nhân bản của người lính giải phóng ứng xử trước cái chết của đồng đội và của đối phương sau đường đạn lầm lỗi. "Nghị quyết cây khế" đánh thức những tâm hồn vô cảm trước sự sai trái. "Điên nặng" cảnh báo nguy cơ loại bỏ tài năng bởi định kiến và thù hằn cá nhân đang tràn lan trong công sở và trên hết là những tầm nhìn chật hẹp qua "Quang còm". Ở đó còn nóng hổi giọt nước mắt trước di chứng của thảm họa chất độc màu da cam của những người được trở về sau cuộc chiến.
Như nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha chia sẻ: Đọc Võ Minh, thấy bao trùm là niềm đồng cảm, tình chia sẻ với những vấn đề xã hội nhức nhối mà anh đề cập đến thông qua những câu chuyện, những kiếp người. Cái giỏi của người viết hồi ký là càng chân thật bao nhiêu trong giọng kể thì càng chinh phục người đọc bấy nhiêu. Võ Minh đã làm được điều đó. Nhưng cái giỏi của người viết truyện ngắn thì lại ở chỗ "hư cấu mà như thật". Cái thật cuốn hút của hư cấu chính là việc người viết đã truyền vào sự hư cấu tất cả sự từng trải mà anh đã được nhận từ cuộc đời qua chiêm nghiệm.