Chính quyền Mỹ dù chưa một lần chính thức thừa nhận đã thua trong cuộc chiến ở Việt Nam nhưng bản thân cựu Tổng thống Nixon cũng phải chua chát thừa nhận: “Tấn thảm kịch Việt Nam đã làm tổn thương nước Mỹ, làm tổn hại chúng ta trong con mắt bạn bè nước ngoài, hạ thấp chúng ta trong con mắt đối phương. Sự thất bại của chúng ta ở Việt Nam làm hổ thẹn một nước mà không mấy khi thất bại”.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara trong buổi nói chuyện về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam tại Đại học Harvard cũng hối tiếc thừa nhận: “Cuộc chiến tranh của chúng ta ở Việt Nam là một sai lầm…”. Vì sai lầm đó, nước Mỹ đã lần đầu tiên phải nếm mùi thất bại mà bản thân họ vẫn cố gắng lý giải tại sao mình đã thua. Chiến tranh Việt Nam, do đó, với họ, trở thành một "cuộc chiến chưa kết thúc". Tuy nhiên, dù giới bảo thủ Mỹ đã dùng mọi cách để viết lại lịch sử, để biện minh cho cuộc chiến tranh phi đạo đức mà họ đã gây ra ở Việt Nam nhưng sự thật vẫn luôn là sự thật khi chính những người Mỹ đã cố gắng tìm hiểu và công khai những tài liệu bí mật về cuộc chiến.
Xe tăng ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - Ảnh tư liệu.
Trong vài năm qua, cùng với thời hạn phải công khai, giải mã toàn bộ những tài liệu tối mật của Lầu Năm Góc, của Nhà Trắng, hàng loạt cuốn sách về cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã ra đời cho thấy một góc nhìn chân thực hơn về mục đích cũng như những kế hoạch tàn độc mà nước Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam. Điển hình nhất là cuốn "Kill Anything That Moves - The Real American War in Vietnam" (tạm dịch Giết mọi thứ di động: Cuộc chiến thực sự của Mỹ ở Việt Nam) của tác giả Nick Turse đã đào sâu vào những tội ác lịch sử bị giấu kín của chính quyền Mỹ. Với kho thông tin mới đầy ấn tượng và kỹ năng tường thuật tuyệt vời, ông cũng đặt ra một câu hỏi bức thiết: Tại sao với tất cả các bằng chứng thu thập bởi quân đội vào thời điểm của cuộc chiến tranh, những hành động tàn bạo đó chưa bị bị truy tố hay ít nhất chính quyền Mỹ cũng phải có những hành động để vơi bớt những hậu quả đã gây ra cho người dân Việt Nam.
Với những người bạn quốc tế đã sát cánh bên Việt Nam trong những ngày chiến tranh gian khổ nhất càng hiểu rõ hơn về chiến thắng lịch sử 30/4. GS.TSKH Anatoly Ivanovich Khiupenen, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ (từ tháng 12/1972 đến tháng 1/1975) thẳng thắn nhận định: Các bạn chiến thắng là nhờ tình yêu Tổ quốc, sự chiến đấu anh dũng của nhiều thế hệ. Lãnh thổ Việt Nam có thể bị xâm chiếm, nhưng nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Trong khi đó, nữ nhà báo nổi tiếng Cuba Marta Roja thì dùng những mỹ từ đẹp nhất để ca ngợi chiến thắng 30/4: Dân tộc Việt Nam, một trong những dân tộc nghèo nhất và chịu nhiều khổ đau nhất, đã chiến thắng đế quốc Mỹ trong một cuộc chiến không cân sức khi mà quân đội Mỹ đã sử dụng tới những vũ khí tối tân nhất. Những vũ khí hủy diệt như bom napal, chất độc da cam vẫn không thể ngăn cản những giá trị và trí tuệ của một dân tộc quyết tâm bảo vệ tự do và thống nhất đất nước.
Đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình của Mỹ và những người bạn quốc tế đã sát cánh bên Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn, Đại thắng mùa xuân 1975 không đơn thuần là sự kiện kết thúc một cuộc chiến. Đây còn là một bài học cho bất kỳ một quốc gia nào có ý định phát động một cuộc chiến tranh xâm lược vì dù được trang bị vũ khí tối tân đến đâu, dù có dùng biện pháp trực tiếp hay gián tiếp để áp đặt sự cai trị, cuối cùng điều mà họ nhận được vẫn là sự thất bại, như nước Mỹ đã từng thất bại tại Sài Gòn 38 năm về trước.