Trong tuần vừa qua, những thông tin về chất lượng không khí Hà Nội khiến người dân hoang mang, nhất là khi Truyền hình Việt Nam lại phát đi bản tin rằng, mỗi năm Hà Nội có khoảng 5.800 người chết liên quan đến đến bụi mịn và tiếp đó là Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra một loạt giải pháp cho Thủ đô nhằm cải thiện chỉ số AQI.
Chỉ số AQI không đồng nhất ở các kênh đo
Sáng 1/3, chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên hệ thống aqicn.org trung bình ở 124 (mức không tốt cho người nhạy cảm), trong đó vẫn có khu vực như Phúc Xá - Hoàn Kiếm chỉ dừng con số 3 - tức mức tốt, khu vực phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm) AQI là 74 – mức chấp nhận được nhưng tại khu vực Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội (Giảng Võ) ở 157 – mức có hại cho sức khỏe.
Trên trang iqar.com thì chỉ số AQI của Hà Nội lại ở 167 - mức không lành mạnh. Thế nhưng cũng thời gian này, trên trang moitruongthudo.vn – cổng thông tin quan trắc của UBND TP Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí của Thủ đô trung bình ở mức 87 - mức chấp nhận được.
Như vậy, với dữ liệu ở 3 kênh chỉ số AQI của Hà Nội, câu hỏi được đưa ra, số liệu nào là chuẩn xác? Với kênh thông tin quan trắc của Hà Nội là theo QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh ban hành kèm theo Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT.
Hai kênh còn lại thì sao, hẳn là cũng căn cứ vào tiêu chuẩn nhất định. Nhưng việc chênh nhau như vậy cũng khiến cho những nghi ngờ về tính chính xác của các dữ liệu liên quan đến ô nhiễm không khí mà các đơn vị, tổ chức, phương tiện truyền thông phát đi thời gian vừa qua, nhất là con số mỗi năm Hà Nội có khoảng 5.800 người chết liên quan đến bụi mịn.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho rằng, con số 5.800 người chết liên quan đến bụi mịn ở mỗi năm của Hà Nội chưa được kiểm chứng xác đáng, Sở chưa có công bố nào về con số này.
Theo ông Mai Trọng Thái, cho đến thời điểm này, Hà Nội chưa có một công trình cấp TP nào nghiên cứu một cách bài bản về chất lượng không khí Thủ đô. Song, Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí.
Cụ thể, TP đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
TP cũng chỉ đạo các cấp chính quyền xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%.
TP Hà Nội đã triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải… nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm, đồng thời giao Sở TN&MT triển khai nhiệm vụ "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cho TP Hà Nội" theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Trên cơ sở đó, tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và điều kiện, năng lực của địa phương.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cũng phải thừa nhận, dù đã và đang nỗ lực tiến hành nhiều giải pháp nhưng chất lượng không khí của Hà Nội vẫn chưa đạt như mong muốn.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội thời gian qua là do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của yếu tố thời tiết (không khí hanh khô, liên tiếp trong nhiều ngày không có mưa) kết hợp với các nguồn phát thải ô nhiễm vốn có.
Tại khu vực miền Bắc trong đó có TP Hà Nội, vào mùa Đông, gió mùa Đông Bắc mang theo một lượng bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm gia tăng nồng độ bụi mịn trong không khí, điển hình là thời gian từ cuối tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Hiện tượng nghịch nhiệt cũng có thể là nguyên nhân làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm.
Giải pháp phải đi đôi với “tiền đâu”
Mới đây, tại Hội thảo: “Quản lý chất lượng không khí cho TP Hà Nội – Từ cam kết đến hành động” của UBND TP Hà Nội tổ chức, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí Thủ đô một cách nghiêm túc đòi hỏi sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội.
“Chúng tôi có kinh nghiệm quốc tế và từ các dự án của ngân hàng thế giới hỗ trợ, đặc biệt ở Trung Quốc, đã chứng minh lợi ích của sự phối hợp vùng và giữa các tỉnh, thành” - bà Carolyn Turk cho biết và đồng thời đưa ra 5 giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội.
Thứ nhất, Hà Nội cần thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố.
Thứ hai, củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng, đẩy mạnh phát triển xe điện, có thể hình thành các khu vực kiểm soát phát thải (phát thải thấp) trong TP.
Thứ ba, xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại, tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ.
Thứ tư, giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi. Đây là một phần quan trọng đáng kể trong kế hoạch quản lý không khí.
Thứ năm, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trao đổi về thông tin từ Ngân hàng Thế giới đưa ra, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng đánh giá cao sự thiện chí của cơ quan này, tuy nhiên ông cho rằng giải pháp mà WB đưa ra xác đáng nhưng không mới.
“Những giải pháp mà WB đưa ra, Hà Nội cũng đã và đang triển khai rồi nhưng hiệu quả chưa rõ. Trung Quốc triển khai thành công vì họ đưa ra giải pháp gắn luôn với chi phí để thực hiện, rất rõ ràng. Còn chúng ta đưa ra giải pháp nhưng tiền ở đâu để thực hiện không ai nói.
Chúng ta có rất nhiều hiến kế, giải pháp nhưng làm cái gì cũng chưa quyết liệt tới cùng, trong khi biến đổi khí hậu khó lường, đô thị hóa gia tăng nên khí thải ra môi trường tăng, dẫn tới chất lượng không khí cứ “cải hoàn lùi”. Do đó theo tôi, bớt bàn thảo mà hãy hành động, vì bàn mãi mà hành động cứ nhàng nhàng thì không biết bao giờ mới cải thiện chất lượng không khí về mức đạt chuẩn một cách ổn định” - TS Hoàng Dương Tùng nói.
Các nguồn gây ô nhiễm vốn có ở Hà Nội được nhận định bao gồm: Khí thải từ hoạt động giao thông, khí thải từ hoạt động dân sinh (đun bếp than tổ ong), bụi từ hoạt động xây dựng và khói mù từ hoạt động đốt rơm rạ sau thu hoạch ở khu vực ngoại thành. Bên cạnh đó, chất lượng không khí tại Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nhiệt điện than của các tỉnh lân cận.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái