Ngày 23/2, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).
Đến dự lễ khởi công có Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành.
Dự án này là giai đoạn 2 của dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên. Dự án có chiều dài gần 32km, đi qua 7 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh, gồm: Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Tổng vốn đầu tư gần 8.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, vốn ngân sách TP 4.200 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Dự án được thiết kế xây dựng tuyến kè bờ kênh với tổng chiều dài tuyến 63,11km, hai bên bờ kênh được xây dựng đường rộng 7-12m, vỉa hè rộng trên 3m; xây dựng 12 bến thuyền, 3 cầu giao thông dọc tuyến; nạo vét kênh với chiều dài tuyến 31,46km, bề rộng đáy kênh từ 30m trở lên đoạn từ cảng Phú Định đến cầu Trường Đai (quận Gò Vấp) và trên 40m đoạn từ cầu Trường Đai đến sông Sài Gòn.
Đây là dự án trọng điểm thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045, không những cải tạo môi trường nước cho khu vực phía Tây và phía Bắc của TP Hồ Chí Minh, mà còn kết nối giao thông bộ - thủy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho TP và vùng lân cận.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho biết, nhiều năm qua TP rất nỗ lực trong việc nạo vét, xử lý rác thải trên tuyến kênh nhưng vẫn còn ô nhiễm. Khi dự án này hoàn thành, không những giải quyết nạn ô nhiễm, tiêu thoát nước cho lưu vực khoảng 14.900ha, mà còn kết nối giao thông đường bộ, đường thủy kết với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi gửi lời cảm ơn người dân đã ủng hộ bàn giao mặt bằng cho dự án. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành cần tập trung phối hợp hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; chủ đầu tư cùng nhà thầu phải đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025 cũng như đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tham nhũng trong quá trình triển khai; đối với UBND quận, huyện liên quan tiếp tục vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án.