Muốn cải thiện chỉ số PAPI, bên cạnh việc duy trì, phát huy những chỉ số đạt điểm cao, Hà Nội cần triển khai các giải pháp hướng mạnh về cấp cơ sở để cải thiện những chỉ số còn thấp một cách hiệu quả và thực chất.
Thấy gì ở những chỉ số thấp?
Chỉ số PAPI 2018 của Hà Nội cho thấy những nỗ lực cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của TP đã được người dân ghi nhận và đánh giá cao. Chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” (6,93 điểm) và “Thủ tục hành chính công” (7,5 điểm) của Hà Nội luôn nằm trong nhóm trung bình cao so với cả nước.
Kết quả này phản ánh khá sát với những đánh giá ở những chỉ số khác như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hay Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX) khi Hà Nội luôn được đánh giá là địa phương đi đầu về cải cách TTHC. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đồng bộ đã cho thấy kết quả tích cực.
Tuy vậy, từ năm 2011 - 2018, Chỉ số PAPI của TP Hà Nội có dấu hiệu giảm dần đều qua các năm cả ở chỉ số và thứ hạng. Năm 2011, chỉ số PAPI của Hà Nội đạt 36,4/60 điểm, đứng thứ 20/63 (với 6 chỉ số nội dung); đến năm 2018 kết quả của Hà Nội là 42,33/80 điểm, đứng thứ 53/63 tỉnh, TP (với 8 chỉ số nội dung).
Trong đó, điểm một số chỉ số nội dung như “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Công khai, minh bạch” có xu hướng giảm. Không chỉ riêng Hà Nội, điểm trung bình toàn quốc về 2 chỉ số này cũng khá thấp cho thấy đây là mảng quản trị công còn hạn chế.
Theo phân tích của TS Nguyễn Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, trong 4 năm liên tiếp từ 2011 - 2015, Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” của Hà Nội luôn nằm trong nhóm trung bình cao, duy trì điểm đánh giá trên 6 điểm. Song từ năm 2015, chỉ số này có xu hướng giảm dần. Như vậy, vấn đề công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành của các cấp, các ngành của Hà Nội còn chưa tương xứng với kỳ vọng của người dân.
Mặc dù, trong những năm qua Hà Nội đã triển khai rất nhiều biện pháp quyết liệt, áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC cho người dân và DN, tuy nhiên, theo người dân đánh giá, một số lĩnh vực vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực chất.
Đặc biệt, công khai về thu, chi ngân sách cấp xã và công khai các nội dung quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và giá đền bù đất vẫn là các nội dung người dân đánh giá thấp nhất.
Đáng lưu ý, “Trách nhiệm giải trình với người dân” của Hà Nội là chỉ số nội dung có điểm giảm mạnh nhất. Đây cũng là chỉ số nằm trong nhóm dưới trung bình khi 3 năm liên tiếp từ 2016 - 2018 (chỉ số này chỉ đạt dưới 50%, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành). Những nội dung liên quan đến trách nhiệm giải trình với người dân tập trung chủ yếu ở cấp cơ sở. Do đó, để cải thiện và nâng cao chỉ số nội dung này cần tập trung vào các vấn đề: Hiệu quả tương tác với các cấp chính quyền; giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân; tiếp cận dịch vụ tư pháp. Bởi đây là những vấn đề liên quan đến trách nhiệm giải trình mà người dân kỳ vọng nhưng chưa được đáp ứng.
Nâng chất lượng cán bộ, tăng sự đồng thuận từ người dân
Để xác định rõ nguyên nhân những chỉ số nội dung thấp, so sánh kết quả xếp hạng của Hà Nội với 63 tỉnh, thành và giữa các chỉ số PAPI, chỉ số PCI và PAR-INDEX trong năm 2018 có thể thấy sự khác biệt về kết quả đánh giá giữa các chỉ số này. Cụ thể: PCI Hà Nội xếp thứ 9/63; PAR - INDEX xếp thứ 2/63, trong khi đó PAPI là 53/63.
Xét trong cả giai đoạn 2011 - 2018, cũng có sự biến động trái chiều giữa các chỉ số: PAPI có sự sụt giảm liên tục, còn chỉ số PAR - INDEX và chỉ số PCI lại có sự cải thiện đáng kể. Đặc biệt, chỉ số PAR-INDEX của Hà Nội luôn nằm trong top 10 tỉnh/thành có kết quả tốt nhất.
Như các chuyên gia lý giải, nếu như chỉ số PCI hướng tới đối tượng là DN, chỉ số PAPI lại hướng tới đối tượng người dân tại cơ sở. Qua đó, có thể nhận thấy công tác quản trị của các cấp chính quyền TP Hà Nội đã được cộng đồng DN đánh giá cao trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách TTHC.
Song, với những kết quả của chỉ số PAPI, có lẽ TP cần tập trung, nỗ lực hơn nữa để hướng tới người dân. Đặc biệt là chính quyền cơ sở cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân hơn nữa.
Theo TS Hoàng Thị Giang (Học viện Hành chính Quốc gia), trong thời gian tới, chính quyền các cấp cần nâng cao năng lực giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là nâng cao kiến thức, kỹ năng cho những cán bộ trực tiếp tiếp xúc với người dân.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương theo hướng rõ hơn trách nhiệm của tập thể cũng như người đứng đầu, cán bộ, công chức thực thi công vụ. Quy định rõ về trách nhiệm giải trình liên đới, phối hợp giữa các cơ quan, các cấp chính quyền để hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Thêm nữa, để những nỗ lực của chính quyền các cấp được người dân ghi nhận đúng mực, TP phải chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền. Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: MTTQ TP xác định trách nhiệm trong việc tuyên truyền mạnh hơn về công tác chỉ đạo, điều hành của TP để ngày càng có nhiều người dân biết, hiểu và đồng thuận trong thực thi chính sách, nhằm góp phần cải thiện chỉ số PAPI của Hà Nội.