Trong đó, Việt Nam được WEF đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu. Đây là kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia liên tục của Chính phủ.
Hội nhập, tinh thần kinh doanh khởi nghiệp được đánh giá cao
WEF xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 thế giới trong năm 2019, với 61,5 điểm - tăng 10 bậc và tăng 3,5 điểm so với năm 2018. Việt Nam đồng thời cũng là nền kinh tế nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng cao nhất về điểm số trên thế giới trong năm nay. WEF cho rằng, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.
Đây là tin vui bởi 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc, tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp ở Việt Nam được đánh giá rất cao.
Cụ thể, mức độ năng động trong kinh doanh tăng 12 bậc (từ vị trí 101 lên vị trí 89), với những cải thiện mạnh mẽ trên hầu hết các chỉ số thành phần (ngoại trừ phá sản DN), nhất là những chỉ số thể hiện tăng trưởng các DN đổi mới sáng tạo, DN có ý tưởng đột phá. Hay các trụ cột như thị trường sản phẩm, mức độ năng động trong kinh doanh, thị trường lao động hay năng lực đổi mới sáng tạo tăng từ 6 đến 23 bậc.
Sản xuất phụ kiện kỹ thuật tại Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu, cụm công nghiệp Quất Động mở rộng, huyện Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải |
Dù có mức tăng thấp hơn, trụ cột thể chế cũng tăng tới 5 bậc, lên vị trí 89, trong đó đáng kể nhất là nhóm các chỉ số thể hiện mức độ định hướng tương lai của Chính phủ tăng mạnh.
“Những nỗ lực cải cách thể chế quan trọng nhất của Việt Nam thời gian qua đóng góp vào việc thăng hạng chỉ số này có thể kể đến là: Các nỗ lực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; những chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia ASEAN; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương” – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá.
Tiếp đến là ứng dụng công nghệ thông tin (tăng 25,7 điểm và 54 bậc, từ 43,3 điểm lên 69,0 điểm và theo đó thứ hạng từ vị trí 95 lên vị trí 41); trụ cột Kỹ năng tăng 2,7 điểm và 4 bậc…
Vẫn ở vị trí thứ 6 trong ASEAN
Mặc dù Việt Nam có những cải thiện đáng kể về điểm số và thứ hạng của hầu hết các chỉ số thành phần trong 8/12 trụ cột nêu trên, song vẫn còn 3 trụ cột (hệ thống tài chính; cơ sở hạ tầng; y tế) tụt hạng và trụ cột ổn định kinh tế vĩ mô không thay đổi điểm số và thứ hạng. “Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức”- Thạc sĩ Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) chỉ ra.
Đặc biệt, dù có sự cải thiện nhanh về vị trí chỉ sau một năm nhưng năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore (thứ 1), Malaysia (thứ 27), Thái Lan (thứ 40), Indonesia (thứ 50) và Philippines (thứ 64). Việt Nam vẫn chỉ đứng trên Lào và Campuchia vốn vẫn ở cuối bảng xếp hạng. Và vị trí của Việt Nam về năng lực cạnh tranh trong ASEAN không hề thay đổi so với các năm trước.
Đáng chú ý theo thạc sĩ Nguyễn Minh Thảo, trong trụ cột hệ thống tài chính, nguồn vốn cho DN vừa và nhỏ (DNVVN) giảm tới 12 bậc và kết quả này cho thấy việc tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn. Chưa kể mức độ sẵn có về vốn đầu tư mạo hiểm tuy có sự cải thiện, nhưng chậm hơn so với nhiều nền kinh tế dẫn tới thứ hạng giảm 10 bậc và phần nào phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự ổn định và thuận lợi, khiến các quỹ đầu tư thận trọng hơn khi đầu tư cho DN ở Việt Nam.
“Bởi vậy Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế một cách bền vững và mang lại sự thịnh vượng. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ Chính phủ mà cần sự chung tay của các bên liên quan, nhất là cộng đồng DN và người dân” - Thạc sĩ Nguyễn Minh Thảo đánh giá.
Còn nhiều việc phải làm
Nếu như nhìn vào các bảng xếp hạng thương hiệu của Forbes hay Brand Finance, số lượng các tên tuổi DN Việt còn rất khiêm tốn và ít có sự xuất hiện những cái tên mới trong các năm gần đây.
Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng “thiếu DN cỡ vừa” và DN tư nhân khó lớn. Đến nay có đến trên 90% các DN khu vực tư nhân trong nước có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, các DN lớn chỉ chiếm khoảng 2%, tình trạng này trái ngược với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong khu vực ASEAN.
Bộ KH&ĐT đã đưa ra hàng loạt chính sách, đề án hỗ trợ DNNVV ở nhiều mặt, tập trung vào những nội dung thiết thực như phí, thuế, hỗ trợ tư vấn, pháp lý, sở hữu trí tuệ, đào tạo nhân lực. Các đề án đầy tham vọng của bộ này về quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV, trung tâm đổi mới, sáng tạo quốc gia, chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 cũng đặt trọng tâm vào khu vực DNNVV. Có thể nói, về mặt chính sách trên giấy tờ, Việt Nam có gần như tất cả các loại hình hỗ trợ DNNVV tốt nhất của quốc tế.
Tuy vậy, các chính sách hỗ trợ hiện tại vẫn thiếu hiệu quả. TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), dẫn chứng và cho rằng, cần phải đi vào thực chất hơn, bởi năng lực cạnh tranh của DN quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế và quốc gia. “Có nhiều giấy phép con bỏ, nhưng 3 giấy phép con bỏ thì lại hình thành 1 giấy phép con mới nhưng lại hội đủ cả 3 điều kiện cũ chỉ là thay đổi cho phù hợp với điều kiện tình hình mới thôi… thì như vậy vẫn rất khó cho DN” - TS Nguyễn Đức Thành nói.
"Tất cả các chỉ tiêu theo bảng đánh giá xếp hạng đều có mức tăng trưởng đáng kể. Nhưng những chỉ tiêu khác như việc thanh toán hay giải quyết phá sản... chúng ta cần phải nỗ lực vì những chỉ tiêu đó lâu nay vẫn chậm tiến bộ và cũng phải có những cuộc cải cách để tạo điều kiện dễ dàng. " - TS Lê Đăng Doanh "Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh tùy thuộc vào ba nhân tố: Kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho DN phát triển và hội nhập tốt. " - TS Trần Du Lịch |