Sự cải thiện của kinh tế vĩ mô được biểu hiện ở một số điểm. Quan hệ cung - cầu được cải thiện theo hướng tổng cầu tăng cao hơn tổng cung. Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhập siêu lớn trong cùng kỳ năm trước (3,72 tỷ USD) sang xuất siêu trong kỳ này (2,45 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu giảm từ 13,76 tỷ USD xuống còn 12,73 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu tăng cả về kim ngạch tuyệt đối (từ 10,05 tỷ USD lên 15,18 tỷ USD) lẫn tỷ lệ xuất siêu (từ 13,4% lên 19,1%). Xuất siêu tăng ở một số thị trường chủ yếu (như Mỹ từ 16,39 tỷ USD lên 19,4 tỷ USD, EU từ 13,22 tỷ USD lên 15 USD...). Tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP nửa đầu năm thấp hơn dự toán năm (4,57% so với 4,95%), khả năng cả năm cũng sẽ thấp hơn năm trước (6,11%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng và cả năm sẽ không thấp như 2 năm trước, gần như chắc chắn sẽ thấp hơn tốc độ tăng GDP, thậm chí có thể thấp hơn mục tiêu (dưới 5%). Tỷ giá VND/USD sau 8 tháng vẫn còn giảm 1,07% - trong khi cùng kỳ năm trước tăng 2,33%. Đây là một trong những yếu tố góp phần kiềm chế lạm phát, kiềm chế giá vàng trong cơn sốt vừa qua, giúp tăng dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, việc ổn định cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Quan hệ cung - cầu đỡ mất cân đối có một phần quan trọng do tổng cung tăng chậm lại. Trong khi đó, xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng cao lên mà do nhập khẩu giảm, do nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước chững lại. Dự trữ ngoại hối tăng, nhưng mới chỉ bảo đảm ranh giới tối thiểu an toàn theo thông lệ (3 tháng nhập khẩu). Tỷ lệ nợ công cao và tăng lên. Bội chi ngân sách/GDP còn lớn. Nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu thì các tỷ lệ trên còn tăng lên. Tỷ lệ trả nợ lãi và tỷ lệ trả cả nợ gốc và lãi/tổng thu ngân sách lớn. Lãi suất còn cao, nợ xấu còn lớn và giảm chưa thực chất... Tăng trưởng kinh tế theo Bộ KH&ĐT có 3 phương án (6,25%, 6,5% và 6,7%), đều ở trên mức của 6 tháng đầu năm (5,52%). Tuy nhiên, từ số liệu 8 tháng qua cho thấy, tăng trưởng kinh tế theo dự đoán có thể thấp hơn năm trước (6,68%) và sẽ không đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (6,7%). Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản dù có tăng thì cũng thấp nhất tính từ năm 1989 đến nay. Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng sẽ tăng thấp so với năm trước (9,64%), chủ yếu do khai khoáng vẫn còn giảm và tính gia công, lắp ráp còn lớn. Trong khi đó, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ tuy cao hơn tốc độ tăng GDP, nhưng thấp hơn năm trước (8 tháng năm nay tăng 7,3% so với 9,2%). Xuất khẩu tăng chậm lại (5,5% so với 9,1%). Nhập khẩu giảm (giảm 0,3% trong khi cùng kỳ tăng 16,5%).