Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải tiến hai lĩnh vực quản lý của đời sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chủ trương “xe chính chủ” và tránh bị phạt vì “xe không chính chủ”, trong mấy tháng vừa qua, ở Hà Nội, nhiều người tốn rất nhiều thời gian, mồ hôi công sức và bức xúc để làm chuyện này.

Về sang tên, đổi biển xe máy

Trước đây, theo quy định, trong thời gian dài, mỗi người chỉ được đứng tên đăng ký 1 xe máy. Sau đó, Hà Nội lại bỏ quy định này vì Thủ đô có nhiều xe máy quá, gây ách tắc giao thông, không cho công dân nội thành được đứng tên đăng ký xe máy nữa. Ai muốn sử dụng xe thì phải đi mua “suất/quota” của người ngoài Hà Nội. 
Vì hệ lụy đó mà có gia đình, bố đi xe mang tên con; con đi xe mang tên bố. Nay phải sang tên đổi chủ cho chính tắc.

Để có cái biển số mới, có cá nhân phải tới phòng Cảnh sát giao thông tới 5 lần mới xong vì chưa tìm và chuyển được hồ sơ gốc từ quận Đống Đa sang quận Cầu Giấy.  

Để tránh phiền hà trong việc sang tên, đổi biển, tôi xin nêu ý kiến:

Trong trái phiếu Chính phủ trước đây, có mấy ô để ghi tên người được chuyển nhượng. Người đứng tên cuối cùng có toàn quyền sở hữu trái phiếu đó. Đối với xe máy cũng có thể áp dụng hình thức này. Ngoài giấy Chứng nhận chủ sở hữu nhỏ để dễ đem theo đi đường, mỗi xe được cấp một phiếu (hoặc dạng sổ nhỏ) có các ô (trang) ghi tên người đang sở hữu. Người mua xe đã qua sử dụng có trách nhiệm đến Công an Giao thông quận/huyện nơi cư trú để cập nhật thông tin cá nhân vào ô còn trống (giữ nguyên biển số xe và không phải nộp thuế trước bạ vì thuế trước bạ đối với xe cũ không đáng là bao). Ai không thực hiện, khi ấy hãy phạt. Tôi được biết, hình thức quản lý này, đã có quốc gia áp dụng rồi, rất tiện lợi.

Về quản lý vệ sinh, hè đường

Các cơ quan chức năng đã đi kẻ vạch ở hè đường quy định phần để xe và phần dành cho người đi bộ. Song, trước các cửa hàng, cửa hiệu, hàng hóa và xe để không đúng quy định, nhiều khi, không có chỗ cho người đi bộ.
Nhiều gia đình, hộ kinh doanh thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và gây mất mỹ quan thành phố. Họ vô tư xả rác, chất thải ra cống, rãnh trước nhà, chờ đến chiều tối, công nhân vệ sinh môi trường đến dọn đi.

Về vấn đề  trên, tôi xin có ý kiến: Những nhà ở mặt phố, mặt đường được hưởng lợi rất nhiều từ vị trí này. Vì vậy, Cơ quan chức năng quản lý phố phường ra quy định rằng họ phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan mặt phố và trật tự theo quy định ở trước cửa mỗi nhà. Gia đình, tổ chức, cơ quan, hộ kinh doanh nào không làm theo quy định, sẽ chịu phạt. Và phải làm nghiêm. Thế là phố phường sẽ tự phong quang, sạch đẹp. Việc này, cũng có nước thực hiện rồi, ta nên theo họ.

Với góc nhìn của một công dân, tôi xin góp 2 vấn đề nhỏ, mong các cơ quan chức năng nghiên cứu để làm tốt việc quản lý hành chính và làm cho đất nước ta ngày càng thêm sạch đẹp, văn minh.