Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cam kết hành động vì thế giới hòa bình, phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/4, chương trình nghị sự dày đặc của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 132 (IPU - 132) với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” đã chính thức kết thúc với phiên bế mạc và thông qua các Nghị quyết.

Với sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam và sự đóng góp tích cực của các nghị sĩ đến từ 133 quốc gia, vùng lãnh thổ và 23 tổ chức nghị viện quốc tế và khu vực, tất cả dự thảo Nghị quyết của các Ủy ban thường trực đã được thông qua: Chiến tranh mạng – mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người. Về chủ đề khẩn cấp, Đại hội đồng đã chọn, thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về “Hợp tác nghị viện chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Lễ mít tinh.	 Ảnh: Thu Phương
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Lễ mít tinh. Ảnh: Thu Phương
Thông qua Tuyên bố Hà Nội

Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Đại hội đồng IPU - 132 nhấn mạnh: Những kết quả quan trọng nhất của Đại hội đồng đã được thể hiện qua Tuyên bố Hà Nội- văn kiện bao hàm nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên Hợp quốc (LHQ) đang xây dựng cho đến năm 2030. Tuyên bố Hà Nội sẽ được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 năm nay. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh: Đại hội đồng IPU-132 đã phản ánh tiếng nói của người dân tất cả các châu lục về nhiều vấn đề hệ trọng của thế giới nói chung và của các nghị viện quốc gia nói riêng; đề xuất phương hướng và trách nhiệm của các nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện SDGs.

Tuyên bố Hà Nội gồm ba phần đã khẳng định tầm nhìn về sự phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền con người, nhằm xoá nghèo dưới mọi hình thức, và xóa bỏ bất bình đẳng, từ đó trao quyền cho mỗi cá nhân phát huy được hết tiềm năng của họ... Cam kết nội luật hóa những mục tiêu đó, trong đó có vấn đề phân bổ ngân sách. Mỗi nước phải nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình để đảm bảo hoàn tất được các mục tiêu... Tuyên bố Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Là nghị sĩ, chúng ta phải ủng hộ những nỗ lực nhằm hoàn tất những mục tiêu trên cơ sở tôn trọng đặc điểm riêng của mỗi quốc gia...”.

Dấu mốc cho cách tiếp cận mới

Cùng ngày, trong cuộc họp báo quốc tế, trả lời câu hỏi về tác động của IPU -132 tới Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Đây là sự kiện rất quan trọng về đối ngoại, chính trị, hợp tác ở phạm vi toàn cầu. Đối với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam đã đạt được nhiều mục tiêu và đến lúc nhìn lại, đánh giá để đề ra chương trình cho 15 năm tới. Chương trình này được khởi động, thảo luận, đề xuất từ IPU - 132, sau đó đệ trình lên Đại hội đồng LHQ, do đó đây thực sự là kinh nghiệm lớn đối với Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định: Thông điệp của Tổng Thư ký LHQ tại lễ khai mạc IPU -132 không những mang tính toàn cầu, mà là cho chính Việt Nam. Thông điệp đã làm rõ tầm quan trọng, vai trò của người dân, lấy người dân là trung tâm. Trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam cũng như Quốc hội các nước thành viên phải triển khai trên phương diện quốc gia, chuyển lời nói thành hành động của mình. Quốc hội Việt Nam sẽ tích cực đổi mới trong thời gian tới, đưa luật pháp sát với đời sống và các MDGs; điều hành, giám sát các hoạt động động; chuyển hóa hành động vào chương trình thực hiện SDGs trong 15 năm tới.