Theo thông lệ hàng năm, đây được coi là bản tổng kết tình hình kinh tế - xã hội trong một năm qua của nước Nga và đề ra mục tiêu nhiệm vụ cho năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong Thông điệp Liên bang lần này, Tổng thống Putin đã đề ra các mục tiêu đối nội và đối ngoại dài hạn hơn.
Đây là lần thứ 10, ông Putin đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội và là Thông điệp Liên bang thứ 20 trong lịch sử nước Nga mới. Buổi lễ đã diễn ra trong vòng một giờ tại phòng lớn của điện Kremlin, với sự có mặt của các đại biểu Hạ viện, Thượng viện, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các ban, ngành và địa phương cũng như đại diện các tổ chức chính trị, xã hội trên toàn nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang ngày 12/12. Ảnh: AP
|
Năm 2012, trong Thông điệp Liên bang đầu tiên khi trở lại điện Kremlin, ông Putin đã nêu những nhiệm vụ không chỉ cho một năm tiếp theo mà là cho cả nhiệm kỳ Tổng thống của mình lần đầu tiên kéo dài 6 năm. Chủ đề chính của Thông điệp Liên bang năm 2012 là cấm mọi quan chức Nhà nước mở tài khoản ở nước ngoài, kinh doanh ở nước ngoài và nhiều vấn đề cấp thiết khác như khôi phục hệ thống bầu cử hỗn hợp tại Duma Quốc gia. Trên thực tế, những cam kết trên đã được ông Putin thực hiện trong vòng chưa đầy một năm với việc tiến hành điều tra 7.500 vụ án tham nhũng, nhiều quan chức cấp cao đã bị bắt giữ, kết án và chịu án tù nhiều năm.
Dù đã đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện các cam kết đưa ra trong Thông điệp Liên bang năm ngoái nhưng nhiều người cho rằng chính quyền vẫn còn nhiều việc phải làm. Vì thế, trong Thông điệp Liên bang năm nay, ông Putin đã đề cao nhân quyền và các quyền tự do, giá trị của tính Liên bang và nhà nước hùng mạnh. Tổng thống Putin đã cáo buộc, các căng thẳng sắc tộc ở Nga đã bị kích động bởi "những người vô kỷ luật xuất thân từ các khu vực phía Nam nước Nga", đồng thời tuyên bố sẽ "đối phó với mối thách thức này".
Liên quan đến việc một số chính trị gia đề nghị sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Putin khẳng định, Hiến pháp Nga đã trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước, đưa quốc gia vượt qua cuộc kiểm nghiệm khó khăn về tính toàn vẹn và đã khắc phục những thách thức trong vấn đề hình thành các thể chế pháp lý, xã hội và chính trị. Vì "cuộc sống không đứng yên một chỗ và quá trình lập hiến không thể được coi là trọn vẹn hoàn chỉnh" nên ông Putin tuyên bố có thể có những điều chỉnh "nhỏ" trong Hiến pháp.
Hiện, phần lớn người dân Nga đánh giá cao bản Thông điệp Liên bang của ông Putin với những quan điểm khá cởi mở về việc sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời tin tưởng với những chiến lược đối nội và ngoại giao dài hơi, đúng đắn, Tổng thống Nga sẽ hoàn thành được các cam kết đưa ra trong Thông điệp Liên bang năm nay.