Khoảng 2 tuần trở lại đây, trên khắp các tuyến phố, chợ, sạp hàng hoa quả trên địa bàn Hà Nội bày bán la liệt các loại cam. Tất cả đều treo biển với giá khá thấp, chỉ từ 15 – 20 nghìn đồng/kg. Các loại cam cũng khá phong phú về chủng loại, chủ yếu được gọi tên theo các vùng miền như: Cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Sành, cam Vinh trồng tại Bắc Giang, cam ngọt Hưng Yên…
Chị Nguyễn Thị Hưng - thương lái chuyên thu mua cam từ Bắc Giang về bán ở thị trường Hà Nội cho biết: Cam Vinh ở Bắc Giang đã bắt đầu thu hoạch khoảng 2 tuần nay, giá cắt tại vườn chỉ từ 8 – 10 nghìn đồng/kg và bán ra thị trường từ 15 – 18 nghìn đồng/kg. “Do là hoa quả đầu vụ cộng với giá cả phải chăng nên sức mua của người dân cũng tăng lên đáng kể. Hiện tại, trung bình mỗi ngày cả bán buôn lẫn bán lẻ, tôi xuất ra thị trường trên dưới 5 tạ cam” - chị Hưng cho hay. Cũng theo chia sẻ của chị Hưng, khoảng 3 - 4 năm trước, cam Vinh đầu vụ bán được 40 – 45 nghìn đồng/kg do hàng khan hiếm, nhưng thời gian gần đây, mỗi năm lại giảm thêm vài giá.Còn chị Trần Thị Điệp - thương lái bán cam tại chợ Bông Đỏ, Hà Đông chuyên bán dòng cam ngọt Hưng Yên. Loại cam này có ưu điểm là ngọt đậm và ruột vàng, vì thế giá thường cao hơn các loại cam khác. Cách đây khoảng một tuần, cam ngọt còn bán được giá 30 nghìn đồng/kg nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 25 nghìn đồng/kg. Mức giá này thấp hơn so với mọi năm khoảng 30%.Giải thích về nguyên nhân cam giảm giá mạnh so với mọi năm, chị Điệp cho hay: Mấy năm gần đây, do cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều địa phương đã ồ ạt mở rộng diện tích. Đến nay, tất cả các diện tích trồng đang trong thời điểm cho thu hoạch rộ, nguồn cung ra thị trường lớn. Tuy mới là đầu vụ nhưng lượng hàng trong dân đã rất dồi dào nên giá giảm là điều khó tránh khỏi. Theo dự đoán của các thương lái, sắp tới khi vào mùa chính vụ, giá cam còn giảm mạnh hơn nữa.Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần có quy hoạch trong việc trồng các loại cây có múi. Theo các chuyên gia, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích lưu thông, thu mua sản phẩm bảo đảm lợi ích người sản xuất, chú trọng liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.