Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

'Cấm nhóm trẻ tại gia không phải là cách hay'

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hàng loạt vụ bạo hành trẻ em gần đây, nhiều ý kiến cho rằng nên đóng cửa các nhóm trẻ tại gia. Ông Nguyễn Thành Nhân, Chánh văn phòng Quản lý Khu Công nghiệp Bình Dương nhìn nhận, đây không phải là giải pháp hay.

Sau vụ việc bà Trần Thị Phụng bị bắt giam vì tắm "hành xác" cháu Hồ Thị Thúy Ngân, dư luận đang dấy lên mối lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ em đang ngày càng leo thang trong xã hội. Để tránh những vụ việc đau lòng như trên, biện pháp trước mắt mà các cơ quan chính quyền tính đến là cấm tuyệt đối các cơ sở nuôi trẻ tại gia.

Tuy nhiên theo ý kiến các cán bộ quản lý khu công nghiệp và cán bộ chăm sóc bảo vệ trẻ em, nếu biện pháp này được thực thi có nguy cơ sẽ dẫn đến hàng loạt hệ lụy gây tổn thất cho người lao động và cho xã hội khi cha mẹ phải bỏ việc ở nhà để tự chăm sóc con. Hơn nữa dù muốn hay không vấn đề này cũng bị chi phối bởi quy luật kinh tế thị trường, có “cung” ắt sẽ có “cầu” và nó sẽ bị biến tướng nếu không được thực hiện triệt để.

Hiện nay tại khu vực tam giác công nghiệp phía nam gồm: TP HCM - Đồng Nai - Bình Dương có hàng triệu công nhân nhập cư đang sinh sống và làm việc. Riêng Bình Dương có khoảng 700.000 lao động, trong đó trên 80% là nữ trong độ tuổi sinh đẻ (theo số liệu thống kê của UBND Bình Dương).

Do ở đây tốc độ công nghiệp hóa diễn ra quá nhanh mà không đầu tư nhiều vào những vấn đề an sinh xã hội, dẫn đến việc thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết, đặc biệt là trường nuôi dạy trẻ cho con em người lao động nhập cư. Bên cạnh đó, từ thực tế công nhân phải đi làm ca tối mà các trường công lập chỉ giữ trẻ đến cuối buổi chiều thì sự ra đời của các nhà trẻ tư rõ ràng phù hợp xu thế.

Nắm bắt được nhu cầu này, các điểm giữ trẻ tư nhân không giấy phép trên địa bàn khu công nghiệp mọc lên như nấm và hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Mặc dù biết những nơi này không đạt tiêu chuẩn tối thiểu về điều kiện giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm, song phụ huynh lao động nghèo vẫn nhắm mắt gửi con vì nhiều lý do khác nhau.

Điển hình ngay khu nhà trọ của vợ chồng anh Hồ Minh Lực và chị Nguyễn Thị Khanh (phụ huynh của cháu Hồ Thị Thúy Ngân - nạn nhân vụ tắm “hành xác” vừa qua), có khoảng 50 hộ gia đình từ các tỉnh khác đến làm công nhân cho các khu công nghiệp. Ở đây khoảng 40 trẻ em ở độ tuổi từ 0 đến 5 tuổi đều phải gửi tại các nhà trẻ tư nhân vì cha mẹ không có đủ điều kiện lo cho con vào trường mẫu giáo.

"Mặc dù xem lại đoạn phim cháu Ngân bị tắm dã man, chúng tôi cũng thót tim khi nghĩ đến con mình bị như vậy, nhưng cũng không còn cách nào khác. Bởi muốn gửi con vào các trường mẫu giáo công lập cần phải có hộ khẩu, chưa kể tiền học phí đóng cao gấp nhiều lần. Hơn nữa vì công ty yêu cầu làm tăng ca quá nhiều, có hôm 7 giờ tối mới về nên tôi chỉ còn cách cho cháu vào điểm giữ trẻ này thôi”, chị Thúy đang gửi con ở một nhà trẻ tư bộc bạch.

Theo ghi nhận của PV, ngay tại địa bàn các khu công nghiệp ở trung tâm thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng có khá nhiều điểm giữ trẻ tại gia với quy mô lớn nhỏ khác nhau, mức phí dao động từ 250.000 - 400.000 một tháng, bao gồm cả tiền ăn uống ngày 2 bữa.

Vì vậy theo bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, (thuộc Sở Lao động Thương binh - xã hội), thay vì cấm loại hình nhóm trẻ tại gia thì nhà nước nên khuyến khích những cơ sở này đi vào nề nếp, tuân thủ những quy định của Bộ Giáo dục về cơ sở vật chất nuôi dạy, tập huấn kỹ năng cho bảo mẫu, vệ sinh an toàn thực phẩm... hướng đến việc xã hội hóa giáo dục. Mà để giải bài toán về nhà ở xã hội cần có sự phối hợp giữa: Nhà nước - nhà đầu tư cơ sở hạ tầng - doanh nghiệp và người dân.

"Tất nhiên không thể đòi hỏi 100% tiêu chuẩn giống như ở các trường mẫu giáo chính thống nhưng cần phải quy định những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, vệ sinh, thực phẩm...để nuôi dạy trẻ", bà Minh nói.

Thêm vào đó, ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý Khu Công nghiệp TP HCM cho rằng, xuất phát từ lợi ích xã hội, nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ về đất, vốn, thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây nhà lưu trú và nhà trẻ cho con em lao động nhập cư.

"Có như vậy cha mẹ chúng mới yên tâm công tác và chủ doanh nghiệp vừa thu hút được lao động về cho doanh nghiệp vừa giải quyết được những vấn đề bức xúc của xã hội. Khi các điều kiện an sinh xã hội cho người lao động nhập cư được đảm bảo còn giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán giữ chân công nhân trong tình hình thiếu hụt lao động hiện nay, tránh xảy ra đình công", ông Định nhìn nhận.

Điển hình vừa qua, Công ty Nikkei ở TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục tỷ để xây khu lưu trú cho công nhân với phí thu tượng trưng chỉ 20.000 đồng một tháng, với tiện nghi tivi, máy giặt, căng tin…nhờ đó mà công nhân ổn định tinh thần để yên tâm sản xuất tốt. Tuy nhiên, do không được sự hỗ trợ của Nhà nước (cụ thể vẫn bị tính thuế như xây nhà dịch vụ) nên doanh nghiệp không chủ trương tiếp tục làm công việc này. Vì thế theo kiến nghị của ông Định, chính quyền cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp để tiếp tục chương trình mang tính phúc lợi xã hội này.