70 năm giải phóng Thủ đô

Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn đường sắt

Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bài viết “Trải nghiệm tàu hỏa thời… tắc đèo” nhà báo Văn Công Hùng cho biết “Tôi vừa có chuyến trải nghiệm tàu hỏa Việt Nam khá thú vị”, một bài báo được rất nhiều người quan tâm bởi “sự cố hầm Bãi Gió” đang được báo chí, mạng xã hội đề cập nhiều.

Gần 100 năm nay, các hầm đường sắt hầu như không được gia cố tăng cường, kinh phí ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng/năm chỉ đảm bảo duy tu, sửa chữa phần cầu, đường sắt lộ thiên.

Trong “họa có có phúc”

Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn đường sắt - Ảnh 1

Sự cố xảy ra từ trưa 12/4/2024, khi nhà thầu thi công gói thầu số 11A, dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Liên danh Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 (gọi tắt là Lũng Lô - Đường sắt - Công trình 3) vừa trúng Gói thầu số 11A Thi công xây dựng gia cố các công trình hầm số 1, số 2, số 3, Phủ Cũ, Chí Thạnh, Vũng Rô 1, Vũng Rô 4 và Bãi Gió. Giá trúng thầu là 552,816 tỷ đồng (giá gói thầu là 552,885 tỷ đồng), thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.

Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn đường sắt - Ảnh 2

Từ năm 2015, đơn vị quản lý đường sắt sở tại là Công ty Đường sắt Phú Khánh và Phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực I đã có tờ trình đề nghị gia cố 22 hầm yếu, nay mới triển khai thì bị sự cố. So với 8 hầm đã thi công, thì sự cố hầm Bãi Gió có chiều dài khoảng 400m, Km 1231 tuyến đường sắt Hà nội - Saigon, được xây dựng từ năm 1930 nặng hơn cả.

Từ năm 1936 đến nay không được sửa chữa gia cố vỏ hầm. Hàng năm kinh phí chỉ đủ phát cây dọn cỏ, vét mương rãnh và sửa chữa phần đường sắt như thay ray, thay tà-vẹt. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân sập hầm Bãi Gió là do công trình hoạt động nhiều năm, địa chất phức tạp, đá phong hóa lâu năm nên đất đá không còn kết dính. Khi đơn vị thi công bóc từng phần kết cấu vỏ hầm thì xảy ra sạt lở.

Trong “họa có có phúc”, đường sắt không “cô đơn”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đã vào cuộc hỗ trợ Tổng công ty Đường sắt khắc phục hậu quả. Với giải pháp khoan 3 lỗ bên trên đỉnh hầm Bãi Gió để bơm bê tông xuống tạo kết cấu cứng rồi mới xử lý các bước tiếp theo thì phải 4 - 5 ngày nữa, may ra thông đường. Hiện hơn 200 lao động đang làm 3 ca nhưng do địa chất phức tạp nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.

Nhân viên rất tận tình

Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn đường sắt - Ảnh 3

Kết thúc hành trình ga Diêu Trì đến Huế trong những ngày hầm Bãi Gió bị sụt lỡ, ông nhà văn, nhà báo Văn Công Hùng, cây viết chuyên nói thắng, nói thật này khen có, chê có đã chốt một câu “được cái nhân viên giờ rất tận tình”.

Để có được điều này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo hiện trường gồm 83 người, đứng đầu là Chủ tịch và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tổng giám đốc Hoàng Gia Khánh thì cắt ngắn chuyến công tác ở Đà Lạt để xuống chỉ đạo hiện trường, Chủ tịch Đặng Sỹ Mạnh sau khi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã bay vào. Lãnh đạo Tổng công ty đã có quyết định trích Quỹ lương năm 2024 để chi trả cho người lao động trực tiếp làm việc phục vụ hành khách tại hiện trường. Khác với trước đây, phần lớn ra hiện trường bão lụt, sự cố giao thông chỉ cấp giám đốc Chi nhánh, nghe chỉ đạo điện thoại từ xa, anh em loay hoay mãi cũng xong nhưng buồn.

Hiện mỗi ngày có 12 chuyến tàu với trung bình khoảng 3.500 - 3.600 hành khách phải chuyển tải giữa 2 ga Giã ( Khánh Hòa) đến ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) khoảng cách 40km. Ông Phan Hải Cường - Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội đang có mặt tham gia chỉ đạo chuyển tải tại hiện trường cho biết: Chủ tịch Công ty chỉ đạo các tổ tàu chúng tôi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành khách, không để thất lạc hành lý và tàu trễ thì mời khách cơm, nước miễn phí. Đến nay, Đoàn tiếp viên Đường sắt Phương Nam, Chi nhánh vận tải Đường sắt Nha Trang, chính quyền địa phương và anh em ga Giã, Tuy Hòa phối hợp rất tốt, nên mọi chuyện đều tốt đẹp.

Ông bà Smith, một hành khách đi tàu chia sẻ: “nếu không có các bạn đường sắt thì tôi sẽ loay hoay với đống hành lý này, cơm tàu cũng rất ngon. Tôi sẽ nhớ mãi về kỷ niệm chuyến đi này, cảm ơn Việt Nam, cảm ơn đường sắt”. Không chỉ ông bà Smith, tất cả cụ già, em nhỏ, người tàn tật, phụ nữ có thai đều được anh em đường sắt hỗ trợ, hiện chưa để xẩy ra tình trạng mất an ninh, trộm cắp hành lý tư trang bởi phương án chuyển tại được xây dựng chi tiết từng nhân viên, từng khu vực.

Chia sẻ với những khó khăn mà các tổ tàu bị kẹt lại, quần áo, tiền bạc đem theo đều cạn, Công đoàn và Giám đốc Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội đã quyết định thưởng nóng các tổ tàu 34 triệu đồng. Đoàn tiếp viên Đường sắt Phương Nam cũng đã chuyển khoản cho anh em các tổ tàu mỗi người 1 triệu đồng, người tham gia hỗ trợ chuyển tải 500.000 đồng. Tiền thưởng tuy không lớn những đã khích lệ anh em rất nhiều, nhiều người dùng ngay số tiền đó để mua đồ sinh hoạt, yên tâm bám trụ chuyển tải vài ngày nữa. Tuy mọi người đều vất vả, mệt mỏi nhưng không hề có sự kêu ca, phàn nàn vì họ hiểu trách nhiệm chung tay với ngành để giải quyết sự cố.

Tiếp viên Vũ Thị Huyền Trang (SN 1987) quê Yên Bái đi tàu SE1 (Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội), xuất phát Hà Nội ngày 15/4 đang bị cắt toa xe lại chờ lập SE2 chia sẻ: chồng em cũng làm tài xế, sự cố như thế này sẽ đảo lộn sinh hoạt của cả nhà. Nhưng được lãnh đạo chi nhánh và công ty quan tâm thế, chúng em sẽ cố gắng thu xếp, dẫu sao còn may hơn 3 tổ Hà Nội đang bị kẹt phía trong, không biết khi nào được về.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trạm trưởng Đào Việt Thắng: chúng tôi đã báo cáo Giám đốc Đoàn tiếp viên, chủ động xây dựng phương án, nếu thông hầm trước 22/4 thì 3 tổ tàu xung phong tiếp tục đảm nhận phục vụ hành khách theo kế hoạch của công ty. Nếu sự cố kéo dài, sẽ có đội hình mới từ Hà Nội vào thay người.

 

Lãnh đạo Tổng công ty đã có quyết định trích Quỹ lương năm 2024 để chi trả cho người lao động trực tiếp làm việc phục vụ hành khách tại hiện trường.