Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân bằng yếu tố kinh tế và môi trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/11, tại Hà Nội, Tuần lễ Đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đã được khai mạc.

Đây là lần đầu tiên Tuần lễ Đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam được tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT. Đây cũng là sự kiện mở đầu, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Đô thị Việt Nam 8/11. 
Các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ Đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam 2015.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ Đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam 2015.
Chủ trương phát triển bền vững đất nước đã được Chính phủ xác định cụ thể tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh đã đề ra, ngành Xây dựng đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên nhiều lĩnh vực. Năm 2013, ngay sau khi Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia được ban hành, Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Các đô thị Việt Nam và Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam phát động chủ đề “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh” và đã được triển khai trên cả nước trong năm 2014 và 2015.

Việc tổ chức Tuần lễ Đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam 2015 là một thông điệp thể hiện sự cam kết liên tục và lâu dài của ngành Xây dựng Việt Nam đối với nhiệm vụ phát triển đô thị tăng trưởng xanh và mục tiêu phát triển bền vững đất nước mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, để thực hiện Tăng trưởng xanh với sự cân bằng hai mục tiêu về kinh tế và môi trường, cả ba yếu tố: kinh tế - môi trường - xã hội cần được ứng xử trong mối quan hệ hài hòa. Bởi tăng trưởng xanh không chỉ là một sự phục hồi lại những tác động bất lợi đối với môi trường, mà hơn thế nữa, đó là một sự đổi mới, áp dụng tư duy hệ thống trong phát triển và tăng trưởng.

Vấn đề đặt ra là phải có sự điều chỉnh trong mô hình tăng trưởng của đô thị cũng như xây dựng các định hướng chiến lược, lộ trình thực hiện và giải pháp cụ thể, phù hợp với vai trò vị trí và đặc điểm đặc thù của mỗi đô thị. Các địa phương cần rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, đô thị, hoàn thiện và ban hành các chương trình phát triển đô thị, xác định các khu vực phát triển kèm theo kế hoạch thực hiện để tập trung đầu tư phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, lồng ghép các mục tiêu, chỉ số về tăng trưởng xanh, nâng cao khả năng chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu trong các giải pháp quy hoạch, quản trị đô thị và đầu tư phát triển đô thị.

Tính đến tháng 10/2015, Việt Nam đã có 788 đô thị với tỷ lệ đô thị hoá đạt 35,2%, mức tăng trưởng kinh tế trung bình ở khu vực đô thị từ 10 - 15% (cao gấp gần 2 lần so cả nước), nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của đô thị ước đạt 70 - 75% trong cơ cấu GDP cả nước, trong đó, tỷ trọng đóng góp của 5 đô thị là TP trực thuộc T.Ư đã chiếm trên 50% tổng GDP cả nước. Cùng với việc phát triển mở rộng hệ thống đô thị, việc quản lý và nâng cao chất lượng đô thị đang gặp nhiều thách thức lớn như biến động kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững.