Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần biện pháp mạnh để xử lý nợ xấu

Trần Hà ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Nếu không giải quyết được nợ xấu, chắc chắn tình trạng tồn đọng tài chính sẽ cản trở quá trình phát triển."

Ngày 23/5, trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội về những vấn đề đặt ra cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, tính bền vững đòi hỏi chúng ta có một bước chững lại, để tạo ra một nền tảng cho giai đoạn mới.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Đình Nam/quochoi.vn
Chính phủ đã khẳng định quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% và đã đưa ra giải pháp, theo ông, muốn thực hiện được thì cần lộ trình, bước đi, giải pháp như thế nào?
- Giải pháp Chính phủ đã đưa ra đúng, nhưng cần có thời gian thực hiện; cần một lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế. Mà tái cơ cấu nền kinh tế thì phải có thời gian chứ không thể ngay một lúc. Việc chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng từ việc dựa vào vốn và khai thác tự nhiên sang dựa vào hiệu quả của mô hình đó thì cần phải có thời gian. Và quá trình chuyển đổi đó, tất nhiên sẽ có một giai đoạn trầm lắng trở lại.
Tôi cho chính những lý do đó đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng của ta trong hai năm vừa qua không bứt phá nhanh. Tất nhiên, chúng ta có thể có những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, nhưng những giải pháp đó chỉ mang tính chất tạm thời.

Một vấn đề khiến nhiều người lo lắng là tình trạng nợ công đang có dấu hiệu tăng lên, áp lực trả nợ lớn, nên tiền chi cho đầu tư phát triển ngày càng ít dần, vậy rất khó để tăng trưởng, thưa ông?

- Nợ công không phải giai đoạn này mới tăng, mà tăng từ quá trình trước đây. Từ khi mô hình kinh tế của chúng ta dựa vào việc sử dụng vốn thì nợ công tăng lên. Còn trong vòng 2 năm nay không phải nợ công tăng, nhưng vì GDP của chúng ta không tăng, khiến nhìn thấy tỷ lệ tăng lên. Chúng ta cũng không nên lấy tiêu chí nợ công như một cái gì đó quá lớn, cản trở phát triển.

Còn về chi thường xuyên của chúng ta lớn, nhưng những năm gần đây chúng ta bắt đầu tiết kiệm chi thường xuyên. Có một điều là những đầu tư công trước đây không mang lại hiệu quả cao, nên không tạo ra nguồn lực để tái đầu tư, từ đó mà trả nợ. Chúng ta đang dùng tăng trưởng kinh tế trả nợ, thậm chí vay để trả nợ. Đây là điều chúng ta đang phải chịu hậu quả trong quá trình phát triển, nhưng đây là điều tất yếu. Trong bối cảnh như hiện nay, đúng là không nên chạy theo tăng trưởng, không nên đặt đây là yếu tố quan trọng.

Còn về việc Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Quan điểm của ông trước vấn đề này?

- Đưa Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào bổ sung chương trình kỳ họp này là điều cần thiết và chúng ta cần thực hiện sớm nhất. Nếu không giải quyết được nợ xấu, chắc chắn tình trạng tồn đọng tài chính sẽ cản trở quá trình phát triển. Nhưng giải quyết nợ xấu là một vấn đề khó.
Phải có những biện pháp mang tính quyết liệt hơn không chỉ dừng lại ở quan hệ dân sự thông thường. Với những vấn đề mang tính chất ảnh hưởng đến sự phát triển của rất nhiều các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng thì phải có những biện pháp mạnh hơn.

Xin cảm ơn ông!