Cán bộ làm việc trong lĩnh vực xây dựng phải luôn chuyển theo định kỳ

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ ngày 20/11/2023, tất cả cán bộ công chức không giữ chức vụ lãnh đạo và viên chức trực tiếp giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng phải chuyển đổi vị trí công tác theo thời hạn từ 3 – 5 năm/lần.

Nội dung trên được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư số 08/2023/TT-BXD quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, danh mục vị trí công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng phải thực hiện định kỳ chuyển đổi gồm: Cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng: Kiểm tra, đánh giá hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Kiểm tra, đánh giá hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; Kiểm tra, đánh giá hồ sơ công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng…

Luân chuyển vị trí công tác sẽ giúp cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, phát triển nhanh và toàn diện hơn. Ảnh minh họa
Luân chuyển vị trí công tác sẽ giúp cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, phát triển nhanh và toàn diện hơn. Ảnh minh họa

Thẩm định dự án xây dựng: Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh; Thẩm định, thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

Quản lý quy hoạch xây dựng: Thẩm định nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng; Thẩm định đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng.

Quản lý, giám sát chất lượng các công trình xây dựng: Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; Kiểm tra, đánh giá hồ sơ cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình xây dựng; cho ý kiến về các công trình hết thời hạn sử dụng nhưng có nhu cầu sử dụng tiếp.

Qua thực tế của công tác quản lý đô thị, cấp phép xây dựng được đánh giá là công cụ có hiệu quả nhất, nếu công tác cấp phép xây dựng có tính khoa học, thực tiễn và được tuân thủ một cách nghiêm minh, thì công tác quản lý đô thị sẽ thuận lợi và ngược lại.

Tuy nhiên, trong thời gian qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều bất cập, sai phạm liên quan đến công tác cấp phép xây dựng, như: Cấp giấy phép xây dựng cho các trường hợp không thuộc đối tượng, chưa đảm bảo quy định hoặc Quy chuẩn Việt Nam và quy chuẩn liên quan; Giấy phép xây dựng được cấp không đảm bảo quy định, điều chỉnh còn bất cập. Nhiều công trình, dự án xây dựng khi chưa được cấp phép hoặc không đúng so với Giấy phép xây dựng. Hầu hết địa phương chưa tổ chức kiểm tra hành vi vi phạm trật tự xây dựng kịp thời; áp dụng mức phạt vi phạm chưa phù hợp; chưa quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Một số dự án chuyển mục đích sử dụng so với Giấy phép xây dựng không đúng quy định...

Vì vậy, việc luân chuyển vị trí công tác sẽ giúp cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, phát triển nhanh và toàn diện hơn. Đây cũng là một bước tiến mang tính đột phát trong công tác cán bộ của Đảng nhằm thử thách, đào tạo ra những cán bộ nhiều bản lĩnh, kinh nghiệm gắn với thực tiễn ở cơ sở…