Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng Bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ), trường Đại học Luật Hà Nội để làm rõ hơn vấn đề này.
Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã điều chỉnh không cấm việc kết hôn của người đồng tính nhưng cũng không công nhận điều này. Trên phương diện người nghiên cứu về Luật, bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Trước hết, việc Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HN&GĐ năm 2000 xem xét vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Việc Dự thảo luật bỏ điều cấm kết hôn giữa người cùng giới tính theo khoản 5 Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2000 sẽ tránh gây nhầm lẫn trong thực tiễn áp dụng pháp luật khi thực tế đã xảy ra những hiện tượng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền can thiệp vào những đám cưới giữa những người cùng giới tính, xâm phạm vào quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của họ. Tuy nhiên, việc Dự thảo không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính khẳng định rằng, hai người cùng giới tính sẽ không được phép kết hôn. Như vậy, xét về bản chất thì quy định này cũng không có gì khác biệt lớn so với pháp luật hiện hành về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.
Hiện tại cũng có quan điểm cho rằng thực tế xã hội Việt Nam chưa dễ dàng chấp nhận việc kết hôn giữa hai người đồng giới nên để luật pháp thừa nhận cần có thời gian. Ý kiến của bà như thế nào?
- Đây là một bài toán khó đối với những người xây dựng pháp luật. Hôn nhân giữa những người cùng giới tính là một vấn đề có tính nhạy cảm, trong đó, những quan niệm truyền thống còn khá nặng nề khi có sự mặc nhiên chỉ thừa nhận hôn nhân giữa hai người khác giới tính mà chưa chấp nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Trước hai luồng ý kiến trái chiều, thì việc làm thế nào để đảm bảo sự dung hoà lợi ích của mỗi cá nhân, của gia đình và xã hội trong vấn đề này là không đơn giản.
Tôi cho rằng, có thể đẩy nhanh hơn một bước trong giai đoạn hiện nay là thừa nhận sự kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính để đáp ứng yêu cầu thực tế khách quan trong xã hội hiện nay.
Vậy, Dự thảo Luật vẫn chưa thừa nhận kết hôn giữa hai người đồng tính có gây ra bất lợi gì không, thưa bà?
- Do Dự thảo luật không thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nên quan hệ giữa họ sẽ không chịu sự điều chỉnh của pháp luật về các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Xét về mặt thực tế, quan hệ giữa họ cũng được xuất phát từ tình yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau và khi chung sống cùng nhau họ cũng thực hiện các quyền và nghĩa vụ như vợ, chồng. Và cũng giống như các cặp chung sống như vợ chồng giữa những người dị tính, khi những người LGBT chấm dứt việc chung sống có thể có tranh chấp về tài sản và con cái thì pháp luật cần phải đưa ra hành lang pháp lý để có cơ sở giải quyết các tranh chấp đó. Việc quy định hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc chung sống sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên về vấn đề tài sản.
Nhưng xét về mặt pháp lý, do quan hệ giữa họ chưa được thừa nhận mà chỉ là sự kết hợp thuần tuý giữa hai cá nhân nên các quyền và nghĩa vụ giữa họ cũng chưa được pháp luật đề cập đến.
Khi các quy định trong Dự thảo còn chưa đầy đủ, khi giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của những người LGBT phải viện dẫn các quy định từ các bộ luật khác? Điều này sẽ gây ra những khó khăn gì trong việc thực thi pháp luật, thưa bà?
- Vì pháp luật chưa thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nên để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cần phải vận dụng các quy định nằm ở các văn bản pháp luật khác nhau. Theo quan điểm của tôi, với các quy định của pháp luật như hiện nay thì quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng LGBT với tư cách là những cá nhân đơn lẻ vẫn được đảm bảo tương đối đầy đủ, về cơ bản, pháp luật không có sự phân biệt đối xử đối với họ. Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội hiện nay, khi pháp luật chưa sẵn sàng thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, những người làm công tác pháp luật cần giúp đỡ họ, "nhặt nhạnh" và kết hợp được những quy định có liên quan trong các văn bản pháp luật để đảm bảo việc thực hiện cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tốt nhất, hiệu quả nhất.
Nếu như bắt buộc phải có "bước đệm" thì theo bà "bước đệm" cho Việt Nam để công nhận kết hôn giữa người đồng tính nên là bao lâu?
- Có lẽ tôi không thể đưa ra được một con số chính xác về mặt thời gian của “bước đệm” này, vì điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Theo kinh nghiệm một số nước cho thấy thời gian đó thường là vài ba năm trở lên.
Xin cảm ơn bà!
Một buổi thảo luận về các chính sách pháp lý cho người đồng giới thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Xuân Lực
|