Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần chặt chẽ và đồng bộ hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 2 tháng sau khi quy định áp trần giá sữa có hiệu lực, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý giá sữa bằng cách bổ sung nhiều loại sữa vào diện áp giá trần. Tuy nhiên, mục tiêu "quản" giá sữa lại gặp những thử thách mới…

Cơ quan quản lý có bất nhất?

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, bất cứ sản phẩm nào có thành phần là sữa (kể cả những sản phẩm có tên gọi là sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức hay thực phẩm bổ sung) đều được gọi là sữa. Như vậy, các sản phẩm dành cho trẻ dưới 6 tuổi có thành phần là sữa thì phải áp giá trần và nằm trong diện quản lý giá. Tuy nhiên, theo Quy chuẩn Việt Nam số QCVN 5-2:2011/BYT do Bộ Y tế ban hành vẫn đang có hiệu lực, sữa bột phải có hàm lượng đạm (protein) là 34% trở lên, còn dưới 34% tổng trọng lượng thì không phải là sữa mà chỉ là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Và suốt một thời gian dài, các nhà sản xuất sữa đã thay tên cho sản phẩm bằng cách ghi hàm lượng đạm xuống dưới mức bị áp giá trần để qua mặt cơ quan chức năng.

 
Cần chặt chẽ và đồng bộ hơn - Ảnh 1
Lựa chọn sản phẩm sữa tại Siêu thị Hapro Giảng Võ. Ảnh: Việt Dũng
Một chuyên gia dinh dưỡng cho biết, hiện nay, quy định khái niệm "thực phẩm dinh dưỡng" và "sản phẩm sữa" vẫn đang rất mập mờ, khó hiểu. Hiện, trên thị trường vẫn còn nhiều sản phẩm sữa được "núp" dưới bóng là "thực phẩm dinh dưỡng" để "né" áp giá trần. Giá bán những sản phẩm này vẫn cao ngất ngưởng. Đơn cử, dòng sản phẩm Pediasure của Abbott do Công ty TNHH 3A phân phối tại thị trường Việt Nam, giá bán lên tới 986.000 đồng/hộp 1.700 gram… Hay như dòng sản phẩm Physiolac 3 dành cho trẻ từ 1 - 3 tuổi do Công ty CP Dược phẩm Việt Nam (VNA - Pharm) nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam cũng được dán mác phụ "thực phẩm bổ sung bột dinh dưỡng". Với mác dán này, sản phẩm Physiolac 3 nghiễm nhiên không bị áp giá trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi theo quy định của Bộ Tài chính. Còn người tiêu dùng vẫn sẽ phải chịu thiệt thòi khi mua các sản phẩm "là sữa mà không phải là… sữa" với giá cao do không nằm trong diện bình ổn giá.

Phải cứng rắn hơn

Đến thời điểm này, dù đã có tổng cộng 521 mặt hàng sữa thuộc diện bắt buộc áp giá trần bán buôn, bán lẻ, nhưng nhiều sản phẩm dù được áp trần song vẫn bán mỗi nơi một giá, chênh nhau tới hàng trăm ngàn đồng/hộp. Nhiều siêu thị, cửa hàng vẫn ngang nhiên lách luật, bán sữa với giá cao hơn mức trần. Thậm chí, nhiều hãng sữa đã ngừng hoặc giảm đưa ra thị trường các mẫu sữa cũ đang bị áp giá trần để đưa ra các mặt hàng sữa mới. Những mặt hàng sữa mới này có giá cao hơn khá nhiều so với mặt hàng sữa cũ cùng loại, trong khi chỉ một số thành phần của sữa thay đổi không đáng kể.

Trở lại với trường hợp 30  mặt hàng thay bao bì mới cho dòng sữa cũ để tăng giá, theo một chuyên gia trong lĩnh vực giá thì đây là hành vi gian lận thương mại... Hành vi vi phạm đó đương nhiên phải bị xử lý theo quy định tại các văn bản pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và lĩnh vực thương mại. Đã đến lúc cần có biện pháp cứng rắn xử phạt, nêu tên và cảnh cáo các doanh nghiệp làm ăn gian dối, không thể để người tiêu dùng mãi ở trong ma trận được nữa. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để trị "căn bệnh" bất ổn của thị trường sữa phải có cả biện pháp trước mắt và lâu dài. Theo Luật Giá, nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan quản lý giá là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, yếu tố hình thành giá… theo cơ chế hậu kiểm, tức là điều hành giá theo quy luật của thị trường, có điều tiết của Nhà nước nhưng không hành chính hóa trong điều hành. Có nghĩa là các cơ quan quản lý Nhà nước, phải phối hợp kiểm soát được từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến khi đưa ra được giá thành sản phẩm, công khai thông tin giá bán sữa trên thị trường, công khai thông tin về chủng loại, chất lượng sữa để người tiêu dùng có điều kiện đánh giá, lựa chọn. Đây cũng cần coi là điều kiện để cấu trúc lại thị trường nhằm tăng mạnh nguồn cung sữa trong nước, giảm mạnh phụ thuộc vào sữa nhập khẩu, thay đổi tâm lý, thói quen tiêu dùng gắn với sự vươn lên của sữa nội.