Đây là quan điểm được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại hội thảo khoa học đề xuất một số cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội, do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức, chiều 12/12.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa tương xứng tiềm năng
Hiện Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên tổng số 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của cả nước (chiếm 26,32%), 32 tổ chức ươm tạo trên tổng số 84 tổ chức của cả nước (chiếm 38,1%), 14 tổ chức thúc đẩy kinh doanh trên tổng số 35 tổ chức của cả nước (chiếm 40%). Từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Thành phố đã huy động được 999,52 triệu USD với 99 thương vụ gọi vốn thành công. Hà Nội là địa điểm lý tưởng để đặt trụ sở cho các công ty khởi nghiệp giáo dục, thương mại điện tử và tài chính.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST là một trong những chủ trương lớn của Đảng, được đề cập tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng trong từng giai đoạn. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hà Nội, Thành phố cũng có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Hiện Thủ đô Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp, ĐMST tầm Quốc gia. Trên địa bàn Thành phố tập trung hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, chiếm 82% số phòng thí nghiệm của cả nước; Hà Nội hội tụ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc trên địa bàn chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.
Đặc biệt, từ ngày 24/11/2023, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc được chính thức chuyển giao cho UBND thành phố Hà Nội quản lý, trở thành bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Khu CNC Hòa Lạc, với mục tiêu chính, thúc đẩy phát triển Khu CNC Hòa Lạc, bảo đảm giữ vững vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST của Quốc gia giai đoạn đến năm 2030.
Ngoài những lợi thế trên, thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và ĐMST của cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hiện Thành phố cũng đã tập trung hỗ trợ các đề tài, dự án sản xuất có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao; hỗ trợ phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, các hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST của Thành phố vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Hơn nữa, một số nội dung hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND, ngày 09/9/2019 của UBND Thành phố về phê duyệt đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025” không thực hiện được do không còn phù hợp với các chính sách điều chỉnh gần đây của Trung ương.
Chính vì vậy, lĩnh vực này chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội gọi được vốn từ các quỹ đầu tư rất ít; phần lớn chỉ là doanh nghiệp nhỏ cung cấp sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số, mà chưa phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo đúng nghĩa. Ngoài ra, chưa có sự kết nối giữa cơ sở nghiên cứu - startup - nhà đầu tư - doanh nghiệp - tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, để thiết lập một mạng lưới tương trợ lẫn nhau...
Hoàn thiện chính sách, tháo gỡ rào cản
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng thảo luận chỉ ra những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết, tập trung nhiều về bức tranh hiện trạng khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Thành phố. Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, nhiều chuyên gia cho rằng, giai đoạn tới, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô Hà Nội cần phát triển mạnh mẽ hơn để thật sự trở thành môi trường thuận lợi kiến tạo, nuôi dưỡng các ý tưởng và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Hệ sinh thái có sự tham gia mạnh mẽ từ khu vực tư nhân, nhất là của các chuyên gia, nhà đầu tư, người Việt Nam thành công ở nước ngoài, do đó cần thiết phải có một đầu mối thống nhất quản lý, đóng vai trò điều phối các nguồn lực, như: công nghệ, con người, vốn đầu tư... Các sự kiện liên quan khởi nghiệp ĐMST cần hướng tới phục vụ các mục tiêu, mục đích khác nhau, tránh trùng lặp, dàn trải.
Trong đó, vai trò của chính quyền Thành phố và một đầu mối điều phối chung có tính quyết định trong việc hình thành và nuôi dưỡng sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô. Thành phố cần tác động toàn diện tới các thành tố của hệ sinh thái, thúc đẩy mối liên kết, từ đó giúp hình thành lực lượng doanh nghiệp mạnh, làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, chất lượng và bền vững.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội được UBND Thành phố giao nhiệm vụ nghiên cứu Đề án: “Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, với mục tiêu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Thành phố; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Thông qua các ý kiến tham góp tại hội thảo hôm nay, Viện sẽ tổng hợp, từ đó, đề xuất một số cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045.