Đó là nhận định của TS Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Theo ông Du, trong điều kiện hiện tại, NƠXH cần được xã hội hóa, nên chính sách cũng cần phải có sự thay đổi theo hướng linh hoạt hơn cho phù hợp. Chính sách phát triển nhà ở tại mỗi quốc gia đều hướng tới mục tiêu đa phần người dân đều có nhà ở, cấu trúc đô thị hài hòa và không dẫn đến những phân cực giàu - nghèo, ít có nhà ổ chuột. Người dân chỉ có thể tích lũy ở mức 30 - 40% tổng thu nhập của mình để dành cho việc mua nhà, và giá nhà ở hợp lý cần đáp ứng mức này.
Sự vận hành của thị trường nhà ở Việt Nam trong thời gian qua là khá tốt. Thành công của Việt Nam chính là đã tạo ra được một số chính sách phù hợp, chẳng hạn như cho phép phân lô diện tích nhỏ, nhờ đó người dân có điều kiện cân nhắc giữa vị trí và diện tích sử dụng (trong nhiều trường hợp, diện tích sử dụng chỉ 25m2). Đồng thời, có chính sách cho phép tăng diện tích sàn, từ đó tăng cung diện tích sử dụng mà không cần tăng thêm diện tích đất. Ngoài ra, việc sáp nhập và tăng mật độ các làng ven đô vào các khu vực đô thị, đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng chính, tiếp cận các khu nông thôn đang đô thị hóa cùng sự năng động của các đơn vị xây dựng hay các nhà thầu nhỏ, tự doanh hiệu quả, chi phí hoạt động thấp… cũng là những thành công đáng kể.
Tuy nhiên, sự vênh nhau giữa giá nhà và thu nhập của người dân khiến cơ hội có nhà ở của người dân rất thấp. Bên cạnh đó, quy định mỗi dự án (tùy quy mô) phải dành 20% diện tích cho NƠXH chưa hợp lý. Nhà nước cần có sự can thiệp để hài hòa các tầng lớp cư dân cùng sinh sống trong một khu vực. Nếu cứ để thị trường phát triển tự nhiên dần dần sẽ tạo ra sự phân cực trong xã hội, từ đó xuất hiện nhiều hệ lụy.