Cần có các thiết kế và tiện ích mới cho mặt bằng bán lẻ

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bán lẻ tại Việt Nam có nhiều tiềm năng, từ đó mở ra cơ hội thuận lợi phân khúc BĐS bán lẻ, nhưng các doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi liên tục để có thể bắt kịp được với xu hướng mới và thích ứng với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng đặc biệt bằng cách cải thiện những trải nghiệm thông qua ứng dụng về công nghệ tại các khu vực bán lẻ.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội.
Thưa ông, thời gian gần đây các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều về xu hướng mới của phân khúc BĐS bán lẻ. Vậy xu hướng mới ở đây được hiểu như thế nào?
- Áp lực và căng thẳng của cuộc sống hiện đại có thể khiển chúng ta cảm thấy dường như ta không có đủ thời gian rảnh. Cũng vì thế mà chẳng có gì ngạc nhiên khi khách hàng ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn trong các hoạt động giải trí.
Những thay đổi về nhân khẩu học, văn hóa, kinh tế và công nghệ đang gây ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta sử dụng thời gian và tiền bạc. Xu hướng này có thể được ghi nhận ở nhiều lứa tuổi, nhưng lớp trẻ là những hiện thân rõ rệt nhất, ưu tiên các hoạt động trải nghiệm như các kỳ nghỉ, các bữa ăn tại nhà hàng và giao tiếp hơn việc tiêu tiền mua đồ.

 Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell.
Sự thay đổi hành vi khách hàng này đang làm thay đổi bản chất của các địa điểm tập trung bán lẻ, tạo ra thách thức cho các chủ mặt bằng và đơn vị vận hành trong việc nhận diện các mô hình giải trí mới có thể gia tăng giá trị cho các dự án phức hợp.
Cùng với các hoạt động giải trí truyền thống như ăn uống (F&B), phòng tập thể dục thể thao và rạp chiếu phim vẫn thu hút một nguồn cầu nhất định, thì hiện nay xu hướng công nghệ hiện đang dẫn đầu xu thế với những mô hình mới như thực tế ảo (VR), thể thao điện tử (esports) và các bảo tàng tương tác.
Hấp dẫn nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ, ví dụ như VR nhập vai. Với các chủ mặt bằng, đây là cơ hội để thu hút các thương hiệu thử nghiệm nhỏ với yêu cầu đầu tư vốn ban đầu không quá lớn hoặc quá nhiều diện tích mặt bằng. Việc đưa các mô hình ứng dụng công nghệ vào các trung tâm bán lẻ được coi là xu hướng mới hiện nay.
Vậy việc thích ứng những xu hướng mới này tại Việt Nam hiện nay ra sao?
- Tại Việt Nam, có thể thấy sự khác biệt rõ rệt giữa thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mặt bằng bán lẻ tại TP HCM tập trung nhiều hơn ở khu vực trung tâm, với giá thuê cao hơn, tỷ lệ lấp đầy cao và ôn định; còn Hà Nội diện tích mặt bằng bán lẻ trong khu vực trung tâm do quỹ đất hạn chế, giá đất cao và giới hạn chiều cao công trình.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch kinh tế, với những thay đổi sâu sắc trong hành vi của khách hàng. Điều này có thể được thấy rõ trong sự chênh lệch giữa tỷ lệ mở rộng của các ngành hàng bán lẻ khác nhau. Các doanh nghiệp trong ngành hàng này hiện đang tập trung vào việc cải thiện tình hình kinh doanh của các cửa hàng hiện có, thu nhỏ, thậm chí đóng cửa một số cửa hàng, việc thích ứng với những xu hướng mới vẫn còn hạn chế.
Thưa ông, để các doanh nghiệp BĐS bán lẻ tại Việt Nam tồn tại và phát triển cần phải sớm thay đổi điều gì?
- Để tồn tại các dự án bất động sản bán lẻ mới cần phải đưa ra các thiết kế và tiện ích mới mẻ và sáng tạo, thường xuyên cải thiện những trải nghiệm thực tế để thu hút khách hàng. Hiện đang có một số xu hướng mà các nhà phát triển và chủ đầu tư có thể lưu ý đến như: các tiện ích, công viên giải trí, thời trang thể thao, ứng dụng công nghệ mới hay loại hình  làm việc chung co-working đang khá phổ biến hiện giờ.
Một trong những điều các chủ đầu tư cần thận trọng trong việc phát triển bán lẻ, như chất lượng quy hoạch và thiết kế, chất lượng quản lý và marketing trung tâm thương mại, sự cạnh tranh từ các đơn vị bán lẻ nhỏ lẻ ở nhà phố, bán lẻ không chính thức và các hình thức thay thế bán lẻ cũng là một trong những yếu tố đáng lưu tâm.
Xin cảm ơn ông!