Có người nhìn dưới góc độ kinh tế, hiện nay, chúng ta chưa đảm bảo mức sống cho giáo viên trong khi dạy thêm tạo ra thu nhập thì không nên ngăn chặn. Bởi nó cũng giống như bác sĩ mở phòng khám tư. Lại có những người nhìn nhận dạy thêm - học thêm làm méo mó nền giáo dục nước nhà vì ở các nước tiên tiến xung quanh chúng ta không có chuyện này. Nhưng ở đây có mấy khía cạnh, thứ nhất là xuất phát từ nhu cầu thực sự của người học. Điều này cho thấy đang xuất hiện hiện tượng học gì thi nấy. Khâu kiểm tra, đánh giá sinh ra câu chuyện dạy thêm - học thêm. Còn ở góc độ xã hội có hiện tượng ép buộc học sinh đi học thêm. Cho nên để đánh giá một cách tổng thể và toàn diện về dạy thêm - học thêm, chúng ta phải có chương trình nghiên cứu rõ ràng dưới nhiều góc độ.
“Tôi không phải là người ủng hộ dạy thêm - học thêm, nhưng nhìn ở góc độ nào đó thì nó không phải là cái gì quá xấu xa phải bỏ đi. Mọi người cứ hỏi: Nếu không dạy thêm thì lương giáo viên làm sao đủ sống? Chúng ta dạy thêm để đáp ứng đời sống cho giáo viên là đang sai lầm. Sự thật là trong trường học không có môn chính và môn phụ nhưng vì dạy thêm dẫn đến sự phân biệt. Vậy, chúng ta giải quyết thế nào cho giáo viên dạy môn Âm nhạc và Thể dục đảm bảo cuộc sống?” – TS Đỗ Hồng Cường phân tích.
Nhìn từ phía học sinh, cho rằng học thêm giúp bổ sung kiến thức để làm bài thi tốt hơn, người có học lực yếu và trung bình thì tiến bộ hơn. Đó là bản chất xuất phát từ việc dạy thêm - học thêm mà thế hệ trước được thụ hưởng. Thời đó, giáo viên phân loại học sinh yếu để kèm cặp, học sinh khá được bồi dưỡng một số môn. Thực ra, bản chất của dạy thêm rất tốt, nhưng nó bị biến tướng theo xu thế của xã hội. Do đó phải có nghiên cứu để lấy được mặt tốt của nó và hạn chế mặt xấu. Còn nếu cấm theo mệnh lệnh hành chính thì người ta phải thực hiện. “Để tồn tại dạy thêm trong nhà trường thì làm sao phải đưa nó vào quỹ đạo, đúng bản chất tốt đẹp là bồi dưỡng cho những em yếu hòa nhập được với lớp học cũng như tìm kiếm được học sinh tài năng để phát huy mặt mạnh” – TS Đỗ Hồng Cường khẳng định.