Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần có sự so sánh giữa các loại hình kinh doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, bên cạnh những thông tin một loạt công ty kinh doanh đa cấp bị phanh phui, người dân cũng đã biết đến những thông tin khởi nghiệp nhiều hơn khi một loạt các chương trình được triển khai…

Nghe qua, hai lĩnh vực này có vẻ không liên quan đến nhau nhưng thực tế lại có mối liên hệ mật thiết khi kinh doanh đa cấp và khởi nghiệp cùng chung ước mơ thịnh vượng.

Tuy nhiên, trong khi kinh doanh đa cấp phát triển quá nóng từ những cam kết về mối lợi lớn từ doanh thu “khủng” khiến rất nhiều người tham gia thì các chương trình khởi nghiệp, mặc dù được đánh giá là nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới (thứ 7/44 quốc gia tham gia khảo sát do trường Đại học Technische Universitat Munchen (TUM) – CH Liên bang Đức thực hiện) nhưng lại được ít người quan tâm. Quốc gia 90 triệu dân, một thị trường rộng lớn với nhu cầu cao,… nhưng câu hỏi “tại sao startup (các chương trình, dự án khởi nghiệp) lại chưa thể bùng nổ tại Việt Nam” vẫn luôn thường trực. Trong rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân không nhỏ đó là thiếu môi trường và khả năng tiếp cận vốn rất hạn chế. Trong khi ở những quốc gia mà startup phát triển mạnh mẽ, như ở Mỹ, những người khởi nghiệp đa phần đều có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn. Trái lại ở Việt Nam, cơ hội này không nhiều và những dự án khởi nghiệp thường có phần “ảo tưởng”. Bên cạnh đó, nếu như những chương trình, dự án khởi nghiệp ở một số quốc gia không khó để tìm được những nhà đầu tư hiểu thị trường, hiểu vấn đề, có thể nhìn trước những cơ hội thì ở Việt Nam đây vẫn là những khó khăn. Một DN mới chỉ dừng lại ở “tiềm năng, ý tưởng” mà lại được định giá trên trời là khó có thể được chấp nhận. Điều đó minh chứng vì sao trong khi có 39,4% người trưởng thành ở Việt Nam được hỏi có nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh (kết quả khảo sát của TUM – PV) thì chỉ có 2% người khởi sự kinh doanh thực sự.

Trong khi ở mô hình kinh doanh đa cấp, với khoảng 90 triệu dân có hơn 1 triệu người là bạn bè, đồng nghiệp hay người xung quanh… tham gia mô hình này (tỷ lệ 1/90). Sự phát triển quá nóng, mối lợi lớn từ doanh thu “khủng” trong khi môi trường pháp lý, sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng đã khiến cho kinh doanh đa cấp ở Việt Nam bùng phát mạnh mẽ. Nhưng cùng với đó là không ít vụ đổ vỡ trăm tỷ, nghìn tỷ, để lại gánh nặng cho xã hội…

Cùng chung ước mơ thịnh vượng, nhưng có thể thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để khuyến khích môi trường khởi nghiệp, hạn chế những tác động xấu từ mô hình kinh doanh đa cấp.