Đó cũng là cách để khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, việc làm không ổn định, làm trái ngành nghề…“Theo tôi, việc chọn lựa nghề nghiệp vô cùng quan trọng, quyết định tương lai và thu nhập của bản thân mỗi người, gia đình và ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cộng đồng. Đã có hàng loạt cử nhân, tiến sĩ mặc dù có trình độ học vấn cao, vẫn không đáp ứng được nhu cầu công việc của xã hội. Tình trạng này cũng một phần do công tác dạy - học của chúng ta quá nặng lý thuyết mà thiếu thực hành. Điều đó thể hiện ở sự lúng túng trong các câu hỏi thường gặp như: Chọn khối thi đại học gì? Học trường nào phù hợp? Sau khi ra trường sẽ làm gì?... Có thể thấy, việc định hướng nghề nghiệp của HS trung học khá mơ hồ. Thực tế, sự định hướng nghề nghiệp cho HS còn rất hạn chế, có chăng chỉ với quy mô nhỏ, chưa có tính phổ biến, chuyên môn hóa cao. Người lao động chỉ khi thực sự tuyệt vọng, bế tắc trong nghề nghiệp mới tới những cơ sở hướng nghiệp để tìm hiểu công việc của mình. Chính lúc đó, sự thất bại đã đánh gục khả năng và sự sáng tạo của bản thân. Vậy tại sao chúng ta không quan tâm đến sự định hướng ấy từ sớm? Để giảm thiểu nạn thất nghiệp và hiện tượng làm trái ngành, trái nghề hiện nay, theo tôi, cần xây dựng các giải pháp tức thời: Tăng cường cho HS được đi thực tế, tham quan các nông trường, nông trại, định hướng nghề nghiệp ở buổi sinh hoạt lớp, trường. Để HS có được lựa chọn nghề đúng đắn, cần đưa sinh hoạt ngoại khóa như một môn bắt buộc trong nhà trường (HS được tăng cường thảo luận, hướng dẫn, định hướng nghề nghiệp). Định hướng nghề không chỉ chờ tới bậc THPT mới làm, mà cần có hoạt động thực tế từ cấp THCS, thậm chí có thể định hướng cho các em ngay từ cuối cấp tiểu học. Định hướng nghề nghiệp sớm, cùng sự nỗ lực của bản thân mỗi HS, sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội sẽ giúp HS có những bước đi vững chắc, có tương lai với nghề nghiệp ổn định, đáp ứng nhu cầu làm việc của xã hội. Đó là con đường đi tới thành công”.