Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căn hộ dịch vụ cho thuê tiếp tục bị cạnh tranh thị phần

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, trước những biến đổi của thị trường với xu hướng chuyển dịch vị trí, thay đổi quy mô hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp; khách sạn chuyển hướng cho thuê… thị phần của căn hộ dịch vụ cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, so với các phân khúc khác của thị trường bất động sản (BĐS), thanh khoản của căn hộ dịch vụ khá ổn định.

Nhiều yếu tố tác động

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 6.000 căn hộ dịch vụ cho thuê, tập trung chủ yếu ở Hà Nội (3.000 căn) và TP Hồ Chí Minh (2.800 căn). Các căn hộ dịch vụ đều được quản lý dưới hai dạng là tự quản lý hoặc thông qua đơn vị quốc tế. Đây cũng chính là yếu tố phân định sự chênh lệch về quy mô, chất lượng và công suất của các căn hộ dịch vụ cho thuê. Theo đánh giá của Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE), thông thường các dự án do đơn vị nước ngoài quản lý - hạng A có quy mô lớn, giá cả cao hơn. Khách hàng được sử dụng nhiều dịch vụ tiện ích, tần suất và chất lượng phục vụ cao hơn. Công suất hoạt động thường trên 80%. Trong khi đó, các dự án tự quản lý thường có quy mô nhỏ, mức giá thuê thấp hơn 30%. 

 
Căn hộ dịch vụ cho thuê tiếp tục bị cạnh tranh thị phần - Ảnh 1
Nhiều căn hộ tại Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) có mức giá thuê khá phù hợp với thu nhập của người có nhu cầu. Ảnh: Đức Giang

Hiện, thị trường căn hộ dịch vụ đang phải chịu áp lực từ sự thay đổi vị trí, thu hẹp quy mô làm việc của các công ty, doanh nghiệp do kinh tế khó khăn. Đặc biệt, nổi bật trong năm 2013 là xu hướng các công ty chuyển dịch văn phòng về phía Tây TP do khu vực này có nhiều dự án mới gia nhập thị trường, giá thuê rẻ. Sự chuyển dịch này khiến các nhân viên, chuyên gia, người nước ngoài thay đổi chỗ ở để tiện đi làm. Do đó, nhà ở cho thuê phía Tây đang hút sự quan tâm của khách. Điều này cũng khiến các khu, tòa nhà căn hộ dịch vụ truyền thống ở nhiều khu vực buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh, giảm giá thuê, tăng khuyến mại để giữ chân khách.

Tuy nhiên, theo các công ty tư vấn BĐS, trong năm 2013 đáng chú ý là sự chuyển công năng của một số khách sạn, căn hộ để bán sang căn hộ dịch vụ cho thuê, khiến thị phần căn hộ dịch vụ vốn không có nhiều dự án mới bị cạnh tranh gay gắt. Giá các căn hộ để bán chuyển cho thuê thường thấp hơn rất nhiều, nên hút được sự quan tâm của khách hàng mặc dù sự chuyên nghiệp và các dịch vụ không bằng căn hộ dịch vụ đúng nghĩa.

Do đó, nhìn nhận về tình hình, nhiều chuyên gia BĐS đánh giá, thị trường căn hộ dịch vu đã, đang và sẽ còn tiếp tục bị cạnh tranh thị phần. Song, phía các nhà đầu tư đều chia sẻ rằng, đây là phân khúc có nhiều cơ hội để phát triển, nên đang tận dụng để có thể bước chân vào kinh doanh. Một số khác thì nhìn nhận đây là phương án tối ưu để bù doanh thu khi các căn hộ dự án còn trống chưa bán được.

Khách thuê là nhân tố quyết định

Dù thuộc loại hình quản lý nào, hay chịu tác động gì của thị trường thì các chuyên gia cũng như những nhà đầu tư đều đánh giá, quan trọng nhất, đồng thời là nhân tố thúc đẩy hoạt động của loại hình căn hộ dịch vụ lại nằm ở khách hàng. Theo ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam: "Giá thuê nhà hiện rất phù hợp với khả năng tiêu dùng của khách hàng. Tuy nhiên, dự án do nước ngoài, đơn vị quốc tế quản lý vẫn luôn được đánh giá cao hơn. Trước đây, đã từng có trường hợp dự án chất lượng dịch vụ giảm, gây phiền toái cho khách hàng khi chuyển sang nhà quản lý trong nước".

Thực tế, người nước ngoài khi tìm căn hộ dịch vụ để thuê ở thường tiếp xúc với các công ty quản lý quốc tế. Bởi ngoài việc chất lượng và dịch vụ được đảm bảo hơn, thì còn dễ giao dịch, thủ tục thuê nhanh gọn hơn. Đó cũng là lý do tại sao lợi thế này luôn nghiêng về các đơn vị quản lý quốc tế. Điều này cũng khiến các chủ đầu tư phải cân nhắc khi lựa chọn đơn vị quản lý, đồng thời đơn vị quản lý trong nước muốn có khách hàng cũng phải tổ chức quản lý chuyên nghiệp hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ tiện ích.