Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần hỗ trợ từ Trung Quốc nhưng Việt Nam mới là hình mẫu phát triển cho Triều Tiên

Lan Hương (Theo Nikkei)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 4 với Tổng thống Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng, Bình Nhưỡng nên đi theo mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam.

Trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump hôm 12/6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề nghị Mỹ đảm bảo an ninh mà không đưa ra lịch trình chi tiết về việc phi hạt nhân hóa. Triều Tiên đã tuyên bố ý định ngừng chính sách “Song tiến” đồng thời phát triển kinh tế và hạt nhân, hy vọng tìm kiếm việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Sự ủng hộ của Trung Quốc là rất quan trọng trong tiến trình này. Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim Jong-un có bao gồm việc thăm một cơ sở nghiên cứu nông nghiệp, động thái cho thấy sự cần thiết tăng cường lĩnh vực cung ứng thực phẩm và nông sản của Triều Tiên.
 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh tháng 4.
Nhưng ở hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 4 với Tổng thống Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng, Bình Nhưỡng nên đi theo mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam.
“Trung Quốc đã tiến quá xa”, nghiên cứu viên cao cấp Junya Ishii tại Trung tâm nghiên cứu toàn cầu của tập đoàn Sumitomo giải thích vì sao nhà lãnh đạo Triều Tiên chọn Việt Nam làm hình mẫu.
Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các thỏa thuận thương mại tự do (FTA). Trong số đó, 12 thỏa thuận đã có hiệu lực, theo Ngân hàng phát triển châu Á. FTA giữa Việt Nam và Nhật Bản có hiệu lực năm 2009. Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiện đang thúc đẩy đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU). Một điểm khác biệt quan trọng nữa là Việt Nam theo đuổi “phát triển cân bằng”.
Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người đi đầu công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc, nổi tiếng với câu nói “để một số người giàu trước. Dựa trên chính sách này, chính phủ Bắc Kinh tập trung vào phát triển Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố duyên hải khác có giao thông thuận tiện tiếp cận thị trường nước ngoài, thiết lập các đặc khu kinh tế.
Tạo ra các tổ hợp công nghiệp tại các vị trí đặc biệt, như Trung Quốc thực hiện đã giúp tăng trưởng gia tăng nhưng lại có xu hướng nới rộng khoảng cách giàu - nghèo. Thay vào đó, Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng bền vững.
Hệ số Gini -  thước đo bất bình đẳng thu nhập của Trung Quốc là 0,422 trong một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới với 158 nền kinh tế, xếp thứ 49 trong các quốc gia có chỉ số bất bình đẳng thu nhập cao nhất. Trong khi đó, chỉ số này của Việt Nam là 0,348 - ở vị trí 101.
Triều Tiên có dân số nhỏ hơn 25 triệu người và có thể gây bất ổn nếu phát triển không đồng đều. Vì vậy, ưu tiên của Việt Nam đối với các động thái quốc tế táo bạo và quản lý tỉ mỉ các vấn đề trong nước có thể “hấp dẫn” nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Ngoài ra, việc quan hệ Việt - Mỹ nhanh chóng trở nên nồng ấm sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 cũng là một ví dụ tốt cho Bình Nhưỡng. Trải qua 15 năm, đến năm 2016, Mỹ đã là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may và điện máy của Việt Nam.
Và dưới góc độ kinh tế, chắc chắn là nhà lãnh đạo Triều Tiên mong muốn các công ty Hàn Quốc đầu tư như ở Việt Nam. Hiện, Samsung đang sở hữu nhà máy với năng lượng sản xuất 240 triệu điện thoại di động/năm ở Việt Nam và đóng góp 1/4 giá trị xuất khẩu.
Tập đoàn LG, Lotte và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khác cũng đã đầu tư vào Việt Nam, biến Hàn Quốc thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam từ 2014, vượt qua Nhật Bản. Trao đổi điều này với ông Moon Jae-in, ông Kim Jong-un có thể muốn thu hút đầu tư từ các tập đoàn Hàn Quốc.
Có thể con đường đi đến việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên còn nhiều gập ghềnh nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện là một nhà đàm phán khôn ngoan, và nhận xét của ông về Việt Nam đưa ra những gợi ý về cách tối đa hóa các nhượng bộ kinh tế.