Cần làm gì để ngành quảng cáo đóng góp lớn cho phát triển kinh tế?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng quảng cáo là nói không đúng sự thật. Nhưng với chúng tôi hiện nay, quảng cáo là “mua bán niềm tin”, truyền tải thông điệp của các nhãn hàng đến với khách hàng một cách trung thực nhất" - Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm ngày 11/4.

Ngày 11/4, tại Hà Nội, báo Người Lao Động phối hợp với Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời”. Tọa đàm có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà và lãnh đạo Bộ, ngành.

 

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà tham dự tọa đàm
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà tham dự tọa đàm

 

Chưa thật sự cởi mở với ngành quảng cáo

Quảng cáo là một ngành đóng góp doanh thu lớn cho ngành kinh tế, tạo sự sôi động cho đô thị. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Sơn ­- Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam: “Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng quảng cáo là nói không đúng sự thật. Nhưng với chúng tôi hiện nay, quảng cáo là “mua bán niềm tin”, truyền tải thông điệp của các nhãn hàng đến với khách hàng một cách trung thực nhất, để người tiêu dùng có nhìn nhận đúng về sản phẩm. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý hiểu được việc này, để đóng góp chung cho kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời, để người dân thấy rằng, hoạt động quảng cáo là một phần trong cuộc sống hàng ngày”.

Để “bán niềm tin”, ông Sơn cho rằng phải làm trong sạch thị trường, làm trong sạch hoạt động quảng cáo, trong đó có quảng cáo ngoài trời. Ông nhấn mạnh đây là vấn đề rất cấp thiết khi quảng cáo ngoài trời còn lộn xộn, chưa theo quy hoạch.

Dưới góc độ DN, bà Nguyễn Lê Ái Liên - Công ty TNHH Mặt Trời Vàng Goldsun cho rằng tuyên truyền hoạt động quảng cáo có tính chất rất đặc thù bởi bên cạnh các hoạt động kinh doanh thì quảng cáo đang đóng vai trò tuyên truyền về chính trị, văn hoá. Đây là mảnh ghép tạo nên sự hoàn hảo trong lĩnh vực quảng cáo. Tuy nhiên theo bà Liên, từ năm 2020 đến nay, hoạt động quảng cáo có nhiều khó khăn.

Tọa đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời” do báo Người Lao động và các đơn vị phối hợp tổ chức.
Tọa đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời” do báo Người Lao động và các đơn vị phối hợp tổ chức.

Một trong các khó khăn mà cách DN kể ra đó là: hiện nay UBND TP Hà Nội chưa xem xét việc gia hạn màn hình Led, việc này đã gây nhiều khó khăn cho DN trong việc tìm kiếm khách hàng quảng cáo, cũng như việc giải trình hồ sơ pháp lý với địa phương nơi lắp đặt màn hình Led.

Quyết định Số 1997/QĐ-UBND ngày 24/4/2018, của UBND TP Hà Nội về phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2050. Đến nay được 6 năm, nhưng vẫn chưa được triển khai thực hiện, nên DN gặp khó khăn khi có nhu cầu muốn đầu tư xây dựng thêm các vị trí mới. Do đó, phía DN kiến nghị UBND TP và Sở VH&TT Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, hoặc cho điều chỉnh bổ sung quy hoạch để cho DN có cơ sở thực hiện.

Dần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách

Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ VHTT&D cho biết: hoạt động quảng cáo đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế chung của các địa phương và sự phát triển chung của đất nước. Từ năm 1994, chúng ta đã có hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo. Từ đó đến nay, chúng ta đã có có hai lần sửa đổi, bổ sung, chính sách.

Quảng cáo ngoài trời là một trong những nội dung được bàn thảo đề nghị sửa đổi, cập nhật phù hợp với thực tế trong các quy định của Luật.
Quảng cáo ngoài trời là một trong những nội dung được bàn thảo đề nghị sửa đổi, cập nhật phù hợp với thực tế trong các quy định của Luật.

Hiện chúng ta vẫn tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Ngoài Luật Quảng cáo thì Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Xây dựng, Luật Dược và một số văn bản khác thường xuyên bổ sung các chính sách liên quan tới nội dung quảng cáo.

“Mặc dù trong 10 năm qua Luật Quảng cáo chưa có sửa đổi nhưng không chúng ta không dừng chân tại chỗ, kể cả những vấn đề mang tính chất quảng cáo trên môi trường mạng và phòng kháng chiến báo chí thì với vai trò chủ trì của Bộ TT&TT cũng rất tích cực và thường xuyên bổ sung các chính sách”- bà Hương nói.

Bà Hương cho biết thời điểm này cũng là đến lúc cần thay đổi một số chính sách lớn để cho hoạt động quảng cáo mang tính chất đồng bộ, mang tính chất là một văn bản chuyên ngành từ quảng cáo và thống nhất các luật hiện nay. Với quảng cáo ngoài trời vấn đề đang được thảo luận là quy hoạch quảng cáo, thứ hai là thủ tục hành chính và thứ ba là kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), các vấn đề về hoạt động quảng cáo, quảng cáo ngoài trời đã được đề xuất để cụ thể hoá, tạo hành lang pháp lý cho DN hoạt động.

Theo ông Hồng, vấn đề hình thành các khu dịch vụ thương mại, quảng cáo đã được từng được đề cập, tuy nhiên DN còn e ngại trong việc thực hiện. Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, ông Đỗ Đình Hồng cho rằng DN cần chuyển mình mạnh mẽ hơn bởi quảng cáo là ngành sáng tạo, cần tạo ta các sản phẩm khách hàng cần, tạo ra dịch vụ để kết nối khách hàng với các sản phẩm quảng cáo mình tạo ra.

Lãnh đạo Sở VH&TT TP Hà Nội kỳ vọng với sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, sự đóng góp về mặt truyền thông, tuyên truyền của các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, sẽ có một bức tranh mới về ngành quảng cáo, thực sự là công nghiệp quảng cáo. Cũng theo ông Hồng, các cơ chế, chính sách được xây dựng, sửa đổi thời gian tới đây cũng cần phải tạo chuyển biến thực sự cho ngành quảng cáo.