Có bác sĩ gục bên bàn mổ khi ca mổ kéo dài suốt 30 giờ vì quá đuối sức, có bác sĩ sẩy thai khi trèo đèo lội suối cứu bệnh nhân ở miền biên ải, có bác sĩ nuốt nước mắt vào trong tiếp tục ca mổ khi nhận tin bố mất khi ông đang cứu bệnh nhân ở thời khắc nguy hiểm nhất.
Rồi đợt dịch Covid-19 vừa qua, sự cống hiến, hy sinh của những người khoác áo blouse trắng không bút giấy nào tả xiết. Hàng nghìn y, bác sĩ phải xa gia đình, trực chiến tại cơ sở nhiều tháng liền hoặc lên đường “Nam tiến” làm nhiệm vụ. Những hình ảnh thầy thuốc mệt nhoài nằm ngủ dưới sàn nhà, ngủ vùi bên bàn xét nghiệm, bơ phờ ở phòng cấp cứu, có những người khi mẹ mất, bố cấp cứu, con nằm viện, cả hai vợ chồng vẫn miệt mài nơi chiến tuyến.
Nhiều bác sĩ khi dịch Covid-19 kết thúc, họ trở thành bệnh nhân tâm thần, phải điều trị nhiều tháng liền vì quá stress và ám ảnh với việc điều trị cho bệnh nhân nặng và tiếng còi xe cấp cứu…
Hằng ngày, hàng trăm nghìn thầy thuốc trên khắp cả nước vẫn miệt mài với nhiệm vụ cứu người. Với họ, tính mạng, sức khỏe của người bệnh là trên hết. Mỗi khi những thiên thần áo trắng xuất hiện, hiểm nguy bệnh tật được đẩy lùi, nỗi âu lo của người bệnh vơi bớt nhiều phần…
Mỗi đợt dịch bệnh đi qua, người ta thấy thấm thía hơn bao giờ hết sự hy sinh của người làm ngành y. Dù bối cảnh xã hội có thay đổi thế nào thì vẫn sẽ luôn tồn tại chân lý: Cứu người là nhiệm vụ vinh quang. Bởi vậy mà người làm ngành y luôn được xã hội trân trọng, tôn vinh.
Nhưng, có lẽ, chưa bao giờ ngành y phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Đó là quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; cơ chế chính sách chưa được giải quyết thấu đáo; nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt, thậm chí bỏ việc đã trở thành vấn đề nóng hơn bao giờ hết và không còn là chuyện riêng nội bộ.
Đau lòng hơn, dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, nhiều bác sĩ rớt nước mắt không phải vì tay nghề không cứu được bệnh nhân, mà vì thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Thậm chí các bệnh viện tuyến đầu có thể sẽ phải tạm ngưng hoạt động trong vài tháng tới nếu vướng mắc không được tháo gỡ.
Không ít những dòng thông tin ngỡ như không thể tin nổi nhưng lại là sự thật: “Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai phải gửi bệnh nhân đi nơi khác chụp, chiếu, xét nghiệm”; “Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ phiên từ 1/3 do sắp cạn vật tư, hóa chất”, “Thuốc thiếu, máy đắp chiếu, bệnh nhân ung thư gấp mấy cũng phải chờ…”.
Trước đó, đã có rất nhiều cuộc họp các bên ngồi cùng nhau tìm cách gỡ những nút thắt đang "trói chân trói tay" bệnh viện trong mua sắm, đấu thầu, nhưng dường như vướng ở đâu vẫn y nguyên ở đấy. Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư ngày càng trầm trọng hơn. Cơ chế, quy định pháp luật hiện nay về y dược chưa chặt chẽ hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Nếu như vướng ở những ngành, nghề khác, có thể sẽ hạn chế về phát triển kinh tế, xã hội, nhưng vướng ở ngành y, là đe dọa đến tính mạng con người, đến sức khỏe Nhân dân.
Để giải quyết khó khăn, bất cập trên, cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 72/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành chức năng khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân trong tháng 3/2023.
Mong rằng, vướng mắc sẽ được tháo gỡ kịp thời để không còn tiếng “kêu cứu” từ các đơn vị y tế, để người dân yên tâm với quyền được khám chữa bệnh kịp thời được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, Nhân dân và đặc biệt những người làm ngành y còn mong rằng, thầy thuốc sẽ được hưởng chính sách, cơ chế đãi ngộ đặc thù để họ yên tâm công tác, để hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”, tình trạng bác sĩ bỏ việc trên khắp cả nước - đây cũng đang là tiếng “kêu cứu” cần được quan tâm kịp thời.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, không gì thiết thực, ý nghĩa hơn là những người thầy thuốc sẽ nhận được những "bông hoa cơ chế", "hoa chính sách" dành tặng cho ngành.