Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần lắm những con đường chia đúng làn, đúng vạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan chức năng, những năm gần đây, bức tranh giao thông Thủ đô đã có những thay đổi đáng kể.

Nhưng trong con mắt của những học sinh như tôi, chúng tôi vẫn cần lắm một bức tranh giao thông với gam màu tươi vui, bố cục thoáng đãng hơn...

Tôi còn nhớ, suốt những năm mẫu giáo và tiểu học, tôi và anh trai thường đi xe bus của trường vì khá xa nhà. Qua con mắt trẻ thơ của tôi, từng dòng xe trôi trên đường hối hả vừa thú vị vừa khơi dậy bao sự tò mò. Vì sao những chiếc xe có thể giữ được thăng bằng trên những “đôi chân” kỳ lạ nhấp nhô, tại sao mình không hề đi, không hề chạy mà lại có thể từ nhà vù một cái đã đến được trường học mà không hề có cảm giác bị - đau - chân…? Trên chiếc ghế phụ cạnh bác tài xế, tôi được thỏa sức ngắm phố phường hối hả, reo vui khi gặp những điều lạ lẫm và cũng chính trên chiếc ghế đó, tôi đã có những bài học giao thông đầu tiên…
Nét đẹp văn hóa giao thông Hà Nội.  	Ảnh: Trần Đình Hưng
Nét đẹp văn hóa giao thông Hà Nội. Ảnh: Trần Đình Hưng
Trong ký ức của tôi, bác tài xế không bao giờ nhắc cài dây an toàn như khi bố lái xe đưa tôi đi chơi. Tuy nhiên, tôi cũng không cần bác nhắc vì tôi luôn nhớ lời bố dặn, tự thắt dây an toàn cho mình để tránh bị… dập mũi. Tôi và bác lái xe có vẻ rất hợp chuyện nên hai bác cháu cứ líu ríu suốt cả chặng đường. Nhưng quả thật, tôi luôn luôn trong trạng thái bị giật mình… Giật mình vì cú phanh gấp ngay trước một phụ nữ đang loạng quạng điều khiển chiếc xe đạp chở rau muống. Giật mình vì một ông bố chở ba đứa trẻ trên một chiếc xe máy mà “quên” không đội mũ bảo hiểm cho con. Giật mình vì chính những cú phanh gấp, tiếng còi xe inh ỏi như dội vào tai của những đứa trẻ chúng tôi.

Tôi cũng nhớ như in về nỗi ám ảnh sau giờ tan trường. Thay vì sung sướng được trở về với gia đình sau một ngày học tập căng thẳng chỉ còn đó nỗi sợ hãi kinh hoàng khi chiếc xe của chúng tôi từ từ lăn bánh khỏi cổng trường, hòa vào dòng người trên phố. Có những ngày tôi như bị ngộp thở khi chiếc xe bị kẹt cứng giữa dòng xe xuôi ngược dù tuyến đường từ trường ở Mỹ Đình về nhà khá rộng và ít khúc cua. Nhích lên từng chút, từng chút một. Phanh dúi phanh dụi và còi bấm inh ỏi… khói bụi mờ mịt qua ô cửa kính… Dòng người không ai chịu nhìn ai, không ai chịu nghe ai, ô tô giăng ra cả 6 làn xe khiến xe máy chỉ còn mỗi cách là luồn lách qua từng khe hở giữa các xe ô tô hoặc “rủ” nhau leo hết lên vỉa hè, rồng rắn lên mây trèo lên nắp cống, chạy dập dìu như sóng lượn, rất vui mắt… mặc cho chú cảnh sát giao thông thổi còi rát họng, mồ hôi thấm đẫm lưng áo.

Mặc kệ! Thường ngày chỉ cần thoáng thấy bóng áo vàng của cảnh sát giao thông, ai nấy đều tự động dừng đúng vạch sơn, hoặc nếu đã trót dừng đỗ quá vạch thì lập tức lùi xe lại cho đúng vạch. Vậy mà nhiều lần tan học, chúng tôi đã phải tái mặt sợ hãi, các bạn gái thì ôm chầm lấy nhau khi có người cố tình lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu rồi đổ kềnh ngay trước mũi xe của trường tôi… Ấy vậy mà người đi xe máy còn trừng mắt lớn tiếng dọa dẫm bác lái xe. Cũng may người đi đường nhao lên phản đối và thấy chú cảnh sát lại gần, người đàn ông đó mới hậm hực dắt xe đi, không quên trừng mắt nhìn bác tài xế như đe dọa…

Trong dòng hồi ức của tôi, rất khó để quên được những giờ tắc đường như bất tận vì lô cốt ở nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Từ con đường mà bố mẹ tôi gọi là “như mùng Một” vừa rộng vừa vắng người, bỗng chốc mọc lên vô số lô cốt, kéo theo cảnh tắc đường, chửi bậy, chèn ép giữa các phương tiện.

Bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, tôi đã là một học sinh THCS. Tôi không còn phải ngồi xe buýt mỗi ngày để đến trường nữa mà do nhà gần nên được mẹ chở đến trường. Hai năm qua, cùng mẹ đi học hàng ngày, tôi đã chứng kiến biết bao vấn đề về giao thông mà nếu trước đây, trong con mắt non nớt của cậu học sinh lớp tiểu học, tham gia giao thông như một buổi xem phim cảm giác mạnh. Có vinh dự được học tập tại một trong những ngôi trường ưu tú của Thủ đô – trường PTTH chuyên Amsterdam, tôi thấy học sinh cần phải được học bài bản về văn hóa giao thông, luật giao thông, ý thức giao thông… bởi chúng tôi vừa là người trực tiếp tham gia vừa là người tạo nên bức tranh giao thông trật tự hay rối ren.

Bằng sự quyết tâm và và nỗ lực của các cơ quan trên địa bàn TP, nhiều biện pháp đã được đưa ra và thực thi nhằm giải quyết vấn đề an toàn giao thông. Nhờ thế, trong những năm gần đây, bức tranh giao thông Thủ đô đã có những thay đổi đáng kể. Nhưng trong con mắt của những học sinh   như tôi, chúng tôi vẫn cần lắm một bức tranh giao thông với gam màu tươi vui, bố cục thoáng đãng hơn. Học sinh chúng tôi cần lắm một con đường chia đúng làn, đúng vạch. Trên con đường đó, chúng tôi là những thành viên nhỏ tuổi cần được bảo vệ và được hưởng quyền ưu tiên giống như người già và người tàn tật. Nếu đã lắp đặt tín hiệu ưu tiên cho người đi bộ trên các cột đèn giao thông thì hãy để những nút bấm đó phát huy tác dụng. Trên con đường đó, từng dòng xe cộ nối đuôi nhau theo đúng làn dù bị muộn giờ làm, giờ học, dù có chú cảnh sát giao thông hay không. Trên con đường đó, xe máy, ô tô, xe đạp luôn “nhìn nhau” thiện cảm, khi mà một chiếc xe lỡ có đi sai thì cũng tự mình lặng lẽ lùi lại để sửa sai. Trên con đường đó, ai cũng đội mũ bảo hiểm và coi cái mũ bảo hiểm như người bạn thân bảo vệ chính mình chứ không phải là vật để “qua mặt” cảnh sát giao thông… Trên con đường đó, không còn những chiếc xe tự chế, những hung thần xe ba bánh do “ông bác” thương binh trẻ măng vừa đi vừa bật nhạc chế inh ỏi. Trên con đường đó, không có những ổ gà ổ voi, nắp cống được cảnh báo bằng cành cây hay cái áo rách phất phơ trong gió để nếu giữa đêm mưa ngập, ai đó không nhìn rõ mà bị sập bẫy. Trên con đường đó, vỉa hè và lòng đường được phân định rõ ràng, các bác bán trà đá, nước mía không hò hét, quát nạt người đi bộ cứ như người ta đang chiếm đất của nhà mình chứ không phải các bác đã chiếm đường của người tham gia giao thông.

Thế hệ học sinh chúng tôi - những người chấp hành và kế thừa những giải pháp cụ thể và thiết thực về giao thông hy vọng trong tương lai không xa, bức tranh giao thông sẽ hiện ra hoàn thiện hơn, đẹp mắt hơn trong mắt chúng ta và bè bạn quốc tế. Để làm được điều đó, chúng tôi đang học, đang đọc, đang nhìn và đang nghe… Chúng tôi hiểu rằng, không chỉ trong một lĩnh vực hẹp như giao thông mà trong tất cả những lĩnh vực rộng lớn hơn của cuộc sống, cái chúng ta cần, trước hết là văn hóa. Văn hóa trong học tập, trong công việc, trong đối nhân xử thế, văn hóa trong cách hành xử của chính mình để khi bước ra đường, hòa cùng dòng người xuôi ngược mà không hỗn loạn, như đàn kiến tha mồi về tổ, mỗi khi bước qua nhau còn chạm đầu thân thiện.

Đến đây, tôi lại muốn lấy toan màu, vẽ nên một bức tranh làng quê yên bình…