Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần lộ trình, chính sách đặc thù về tinh giản biên chế tại Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ về “Tinh giản biên chế (TGBC) và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) năm 2016”, Hà Nội đang tích cực triển khai tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL).

Cần lộ trình, chính sách đặc thù về tinh giản biên chế tại Hà Nội - Ảnh 1Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng nhận định: Tinh giản, sắp xếp lại thế nào cho đúng yêu cầu mà vẫn đảm bảo hợp lý cho quản lý điều hành với điều kiện đặc thù  của Thủ đô lại là một bài toán đòi hỏi lời giải phù hợp.

Áp lực lớn về đô thị hóa

Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 39, từ tháng 1/2016, UBND TP đã ban hành Kế hoạch 16/KH-UBND về rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị SNCL. Đến thời điểm này, các cơ quan, đơn vị đã triển khai đến đâu, thưa ông?

- Đến nay, 22 sở và cơ quan ngang sở đã hoàn thành hồ sơ đề nghị quy định lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND TP. Trong đó, 5 sở đã được TP ban hành quyết định là Văn phòng UBND TP, Sở TN&MT, Sở Tư pháp, Thanh tra TP, Ban Dân tộc; 3 sở đang được TP xem xét là Sở LĐTB&XH, Tài chính, Ban Quản lý (BQL) các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX). Còn lại 14 sở đang được thẩm định tại Sở Tư pháp, Sở Nội vụ.

Với các đơn vị SNCL, Sở Nội vụ đã đánh giá thực tiễn hoạt động các BQL dự án đầu tư xây dựng thuộc TP, kèm theo báo cáo phương án sắp xếp, kiện toàn. Sở cũng cùng liên ngành làm việc với 2 Sở GD&ĐT và LĐTB&XH thống nhất nội dung sáp nhập 3 mô hình trung tâm (TT) theo Thông tư liên tịch 39 của liên Bộ Nội vụ - GD&ĐT - LĐTB&XH. UBND 30 quận, huyện, thị xã đang làm báo cáo thực trạng hoạt động; Sở LĐTB&XH báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của TT dạy nghề, Sở GD&ĐT báo cáo toàn diện về TT giáo dục thường xuyên và TT kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện đề án, tờ trình báo cáo TP ra quyết định sáp nhập.

Hà Nội có số cán bộ, công chức và đơn vị hành chính cấp cơ sở lớn nhất cả nước, theo ông, đâu là trở ngại lớn trong việc sắp xếp kiện toàn lại bộ máy tại Hà Nội?

- Trước hết là bởi có số dân đông, nên khối lượng giao dịch hành chính của mỗi đơn vị thường lớn gấp nhiều lần tại các tỉnh, TP khác. Dân số tăng nhanh cũng đòi hỏi thêm lớp học, trường công lập, thêm bệnh viện (BV) công, dẫn đến biên chế giáo viên, bác sĩ tăng cơ học tới 3.000 người/năm. Rồi cũng do đô thị phát triển từng ngày nên lại cần thêm cán bộ quản lý, như thanh tra giao thông, quản lý thị trường…; thêm người làm quy hoạch, quản lý sau đầu tư… Như vậy, dù chúng ta đang rất muốn bớt biên chế, bớt gánh nặng chi cho ngân sách Nhà nước (NSNN) nhưng số trường học, BV vẫn buộc phải tăng lên.

Từ đó có thể thấy, việc TGBC và sắp xếp lại bộ máy ở Hà Nội rất khó thực hiện theo số lượng tuyệt đối. Do dân số và đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến tăng đối tượng phải quản lý, tăng số dịch vụ công theo từng ngày. Quy mô của một sở, một huyện… rất lớn, với số người lao động (NLĐ) phải quản lý rất đông và phức tạp. Vì vậy, số cấp phó ở Thủ đô mà cũng tính bình quân như các tỉnh, TP khác thì rất khó cho lãnh đạo điều hành.

Khó khăn nữa là, một người nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc sẽ được nhận trợ cấp (có thể lên tới 200 triệu đồng), nếu NLĐ đó ở vùng sâu, xa thì đây là nguồn động viên rất lớn, do giá cả sinh hoạt thấp. Song, nếu là NLĐ ở TP thì với mặt bằng giá cả sinh hoạt cao, số tiền đó không giải quyết được việc gì lớn; như vậy, việc về nghỉ hưu trước tuổi không thật sự hấp dẫn, họ sẽ phải suy nghĩ. Chính điều này đòi hỏi Hà Nội có thêm chính sách hỗ trợ.

Để “1 người làm việc bằng 2”

Với điều kiện đặc thù như vậy, Hà Nội sẽ tiến hành các bước rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy và TGBC cũng giống như các tỉnh, TP khác hay có cách làm riêng, thưa ông?

- Tôi hoàn toàn đồng tình chủ trương rà soát tinh giản, sắp xếp lại và nâng cao chất lượng bộ máy, nhưng với đặc thù của Hà Nội như đã nói, thì đúng là quá trình này phải theo một lộ trình và giải pháp hợp lý thì mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Để thực hiện được mục tiêu tinh giản, TP đã xây dựng một kế hoạch riêng. Trong đó đang nghiên cứu cơ chế hợp lý để sớm chuyển nhiều đơn vị SNCL thành các đơn vị tự chủ (tự chủ một phần hoặc toàn phần). Do các đơn vị tự chủ nên huy động được thêm nguồn lực ngoài xã hội vào, giúp giảm chi NSNN, trong khi số trường lớp, BV, giáo viên, bác sĩ… cũng như các tổ chức, cá nhân chuyên cung cấp dịch vụ công vẫn tăng tương ứng theo nhu cầu người dân. Tôi cho rằng, đây chính là giải pháp mang tính quyết định để tinh giản. Thứ hai, TP đẩy mạnh rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy ở các sở, ngành, quận, huyện cho tinh gọn, hợp lý, từ đó xây dựng quy trình giải quyết công việc để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thông qua tinh giản để sắp xếp, tuyển dụng CC mới chất lượng cao hơn. Ngoài ra, TP áp dụng quy trình giải quyết công việc khoa học thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trong đó vừa thí điểm ở 2 quận Long Biên, Nam Từ Liêm và đang nhân rộng ra 12 quận, huyện khác.

Tôi nghĩ 3 giải pháp này đều nhằm mục tiêu “1 người làm việc bằng 2 - 3 người”, như vậy sẽ đảm đương được khối lượng công việc cho những đối tượng tinh giản.

Quyết tâm theo đuổi những giải pháp mạnh này, Hà Nội sẽ triển khai những công việc trọng tâm gì để đạt được yêu cầu, thưa ông?

- Sau khi xin ý kiến Thành ủy về Đề án rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị SNCL thuộc TP. Trong tháng tới, TP sáp nhập toàn bộ 31 TT giáo dục thường xuyên, 15 TT kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp thuộc Sở GD&ĐT và 15 TT dạy nghề thuộc quận, huyện thành 30 TT giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; ban hành quy định mẫu về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, làm cơ sở thống nhất thực hiện tại 30 quận, huyện, thị xã.

TP cũng hoàn thiện đề án và tờ trình sắp xếp các BQL dự án đầu tư xây dựng theo ý kiến của Ban Chỉ đạo TP; xây dựng dự thảo về chế độ đặc thù khuyến khích đối tượng tự nguyện TGBC… Đặc biệt, TP đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL, trong đó: Tập trung ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, sửa đổi bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí, tổ chức thí điểm tại một số đơn vị.

Để làm tốt nhiệm vụ, với vai trò cơ quan thường trực của TP trong rà soát sắp xếp, kiện toàn bộ máy và TGBC, Sở Nội vụ có kiến nghị gì, thưa ông?

- Cùng với nỗ lực của mình, TP rất mong T.Ư xem xét số lượng cấp phó cho Thủ đô một cách hợp lý để các quận, huyện, xã, phường, sở, ngành… đáp ứng được yêu cầu quản lý điều hành. Trong chính sách cần có mức khoán hay định mức chi phí quản lý, để có thêm hỗ trợ động viên CB,CC, do phải làm việc căng thẳng hơn trong điều kiện tinh giản cán bộ mà mặt bằng giá cả sinh hoạt tại TP lại cao. Vì Hà Nội có nguồn thu nên có thể tự cân đối ngân sách, nhưng cần được T.Ư có cơ chế cho phép tự chủ thực hiện, phù hợp Luật Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!
UBND TP vừa báo cáo Ban Chỉ đạo Nghị quyết 39-NQ/TƯ lựa chọn một số đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, LĐTB&XH làm điểm thực hiện cơ chế tự chủ và đánh giá sơ kết thực hiện, dự kiến gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, trường PTTH Phan Huy Chú, trường PTTH Hoàng Cầu, trường Trung cấp tin học Hà Nội, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Văn hóa Kim Đồng, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn Hà Nội, Ban Phục vụ lễ tang TP.