Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Trần Vũ Hoàng cho biết, trường có quy mô đào đạo trên 1.260 học sinh, sinh viên ở các trình độ cao đẳng và trung cấp; có 96 giảng viên và giáo viên cơ hữu và có trên 100 giảng viên thỉnh giảng; tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 14,02 sinh viên/giảng viên đạt yêu cầu so với quy định. Trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyến sinh 3 đợt mỗi năm, trong đó, năm học 2018-2019, có 402/500 em đạt trên 80% chỉ tiêu tuyển sinh.
Đoàn giám sát tham quan lớp học nhạc tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. |
Trường đã được cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho 12 ngành/nghề đào tạo trình độ cao đẳng và 7 ngành/nghề đào tạo trình độ trung cấp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thu nhập sau 6 tháng khoảng trên 76%. Trường tổ chức khoảng 50 buổi biểu diễn/năm phục vụ TP và các sở, ban, ngành, tạo thuận lợi cho việc thực hành thực tập cho học sinh. Trường thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đội ngũ CBVCNV nói chung và nhà giáo nói riêng. Hàng năm, trường chi khoảng hơn 400 - 500 triệu đồng tiền thu nhập tăng thêm cho CBGV. Năm 2019, TP đã phê duyệt phương án tự chủ của trường với mức tự chủ là 31 % chi thường xuyên.…
Tuy nhiên, trường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách tổ chức, quản lý đào tạo, xây dựng chương trình môn học. Trong đó, việc áp dụng giờ dạy tích hợp giữa lý thuyết và thực hành trong thời gian 60 phút với các môn nghệ thuật là quá dài. Việc bắt buộc phải có giáo án trong đào tạo nghệ thuật cũng là cứng nhắc, do quá trình giảng dạy các môn nghệ thuật cần tôn trọng yếu tố cảm xúc và năng khiếu của học sinh. Đồng thời, chính sách với các nhà giáo và các cộng tác viên (giảng viên chưa được áp dụng mức phụ cấp 30%); về học bổng khuyến khích học nghề; cơ chế, chính sách về tự chủ… cũng là những khó khăn đặt ra với hoạt động của trường.
Để khắc phục những bất cập đó, trường đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về GDNN theo hướng tôn trọng tính đặc thù của từng ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cho rằng, trường nên có chương trình đào tạo chuẩn, cần có lối đi riêng của một trường năng khiếu; phát huy tinh thần tự chủ để huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo nghề… Các đại biểu cũng tán thành việc chỉnh sửa các quy định của pháp luật và về giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với loại hình trường năng khiếu. Đồng thời, Đoàn cũng sẽ đề xuất, kiến nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét để chính sách pháp luật về GDNN đi vào cuộc sống.