Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã góp ý kiến phản biện xã hội vào dự thảo Tờ trình, Nghị quyết về Danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) từ đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang xây dựng (XD) các công trình, dự án thu hồi đất trên địa bàn TP năm 2015 do Thường trực MTTQ TP tổ chức sáng 14/11.
Đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) cho biết, theo kế hoạch SDĐ năm 2011 – 2015 của TP được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 06/NQ – CP ngày 9/1/2013, được phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 15.290 ha đất để thực hiện các dự án (DA). Nhưng từ năm 2011 đến nay, TP Hà Nội mới quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất chuyển mục đích SDĐ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội được 1.012 DA, với 3.475 ha, đạt 23% kế hoạch (bình quân 864,25ha/năm), trong đó đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ chuyển sang xây dựng công trình là 2.719ha, đạt 29% kế hoạch. Nguyên nhân kết quả đạt thấp là do khó khăn về kinh tế, thị trường bất động sản trầm lắng…, nhiều DA được giao đất, cho thuê đất trước năm 2011, được giãn tiến độ, nay mới bắt đầu triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch MTTQ TP Bùi Anh Tuấn cam kết sẽ gửi toàn bộ các ý kiến tới cơ quan có thẩm quyền TP xem xét.
Tuy nhiên, Sở TM & MT vẫn đề xuất (trên cơ sở nhu cầu SDĐ của các tổ chức, DN do các quận, huyện, thị xã báo cáo), năm 2015 có 565 DA, với diện tích thu hồi đất là 1.375 ha, kinh phí GPMB ước 9.660 tỷ đồng, trong đó diện tích trồng lúa là 296 ha; đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất là 4,22 ha.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Phó chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho rằng, kế hoạch thu hồi chuyển mục đích SDĐ (nêu trên) thiếu tính khả thi. Đơn cử việc thu hồi 4,22ha chỉ duy nhất ở huyện Gia Lâm để thực hiện 3 DA là XD khu Trung tâm VH thể thao xã Bát Tràng (3,3ha), XD nhà văn hóa thôn Giang Cao (0,28 ha), cho dân sinh xã Kim Lan (0,54ha). Không có lý do phải đặt vị trí 3 DA trên vào khu rừng phòng hộ, vì rừng của Hà Nội còn rất ít.
Cũng theo GS.TS Phạm Ngọc Đăng, ở huyện Thường Tín đề xuất XD trụ sở an ninh, quân sự xã Khánh Hà rộng 4.000 m2; diện tích khu trưng bày sản phẩm làng nghề và thương mại xã Văn Bình rộng 25.000 m2 hay trụ sở CA thị xã Sơn Tây là 4,48 ha… là quá rộng. Ông đề nghị TP cần có quy chuẩn diện tích XD trụ sở (cấp xã, huyện) để tránh tình trạng lạm dụng xin đất rộng thực hiện nhu cầu khác sai mục đích…
Đồng tình quan điểm trên, TS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở QH – KT bổ sung, kinh tế TP tuy duy trì tăng trưởng nhưng chưa cao, lấy đâu nguồn lực tới hơn 9.000 tỷ đồng để thực hiện GPMB, trong khi thị trường bất động sản còn rất trầm lắng, sức phục hồi còn chậm. Ngoài ra, Luật Đất đai 2013 đã nêu rõ, hạn chế lấy đất trồng lúa…
TS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị, cơ quan soạn thảo cần bổ sung, phân tích thực trạng các DA đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2014 trở về trước, tránh tình trạng thu hồi đất để đấy. Phần lớn các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất, xem xét lại kế hoạch thu hồi đất năm 2015 và phải đề xuất được biện pháp thực hiện cụ thể khả thi…