Băn khoăn hai phương án
Thay vì cách tính lương hưu như hiện nay (sau khi đóng bảo hiểm đúng pháp luật hiện hành, người nghỉ hưu sẽ được hưởng 75% lương cơ bản mỗi tháng) thì dự thảo Luật BHXH lại đưa ra hai phương án mới. Phương án một, điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam (theo lộ trình từ năm 2018 - 2022). Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Phương án hai, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019: 17 năm; năm 2020: 18 năm; năm 2021: 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Ở phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội tuần qua, nhiều đại biểu lo lắng, cả hai phương án này đều nhắm tới việc rút bớt lương hưu của người lao động. Đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng, nếu áp dụng cách
tính lương hưu mới, rõ ràng người lao động sẽ bị thiệt thòi. Mức lương hưu vào năm 2018 của lao động nam sẽ là 45% cho 20 năm đóng, thấp hơn so với người nghỉ hưu vào năm 2017 là 10%. Mức lương hưu của lao động nữ vào năm 2018 là 55% cho 20 năm đóng, thấp hơn so với người nghỉ hưu vào năm 2017 là 5%. Có đại biểu phân tích, giả sử một lao động nữ đã tham gia đóng bảo hiểm 25 năm, nếu năm 2017 nghỉ hưu thì được hưởng 75% lương, nhưng nếu 2018 nghỉ thì chỉ còn được 65%. Hai thời điểm, chỉ cách nhau một tháng, thậm chí ít ngày mà mất luôn 10% lương.
Không đồng ý với hai phương án này, đại biểu Trần Thanh Hải (đoàn TP Hồ Chí Minh) phân tích, cách tính này sẽ khiến người lao động có 3 thiệt thòi. Một là, phải đóng BHXH 30 năm (nữ) hoặc 35 năm (nam) mới được hưởng tối đa 75% mức lương bình quân đóng BHXH, trong khi thời gian đóng BHXH theo luật hiện hành chỉ 25 và 30 năm. Hai là, người lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 sẽ bị giảm 5% so với người nghỉ hưu từ ngày 31/12/2017 trở về trước. Ba là, hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ tối đa 75% chỉ được 2 tháng lương/năm thay vì 4 tháng như hiện nay. Vì vậy, đại biểu Hải cho rằng, dự thảo Luật là một bước thụt lùi, không có lợi cho người lao động.
Người lao động lo lắng
Về phía người lao động, sau khi nghiên cứu kỹ hai phương án tính lương hưu mới, ông Đặng Trần Nam (cán bộ hưu trí phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: "Với cách tính lương hưu như hiện nay, cuộc sống của những người về hưu như chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng theo cách tính mới, tới đây những người về hưu sẽ thiệt thòi. Chẳng hạn, những người về hưu vào năm 2018, sẽ giảm 10% lương hưu, vì thế nhiều gia đình sẽ không đủ sống".
Là giáo viên trường mầm non, cô Nguyễn Thu Huyền (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) lo lắng: "Lộ trình tính lương hưu mới chắc chắn đến khi chúng tôi về hưu, lương hưu sẽ bị thụt giảm. Đó là chưa kể, những trường hợp vì lý do sức khỏe mà không đủ số năm đóng BHXH theo quy định thì sao? Vì vậy, ước nguyện duy nhất của chúng tôi là khi về hưu có thể sống ổn định được bằng lương hưu. Cách tính mới như thế này làm chúng tôi thấy lo lắng, nản lòng".
Cùng chung nỗi niềm lo lắng của người lao động, ông Nguyễn Xuân Bách (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) so sánh, nếu thực hiện theo hai phương án này, người nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ thiệt hơn người nghỉ hưu trước 31/12/2017 là 10%, đây là điều bất hợp lý. Hơn nữa, việc tính lương hưu này sẽ làm cho người lao động khi nghỉ hưu sẽ rơi vào cảnh nghèo, tái nghèo...
Cũng vì thế, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị ban soạn thảo cân nhắc công thức tính lương hưu để luật lần này không phải là bước thụt lùi.
Công nhân đóng gói kẹo tại Công ty TNHH Hải Hà - Kotobuki. Ảnh: Hà Thái
|
Nên giữ nguyên cách tính như hiện nay Đề cập đến hai phương án tính lương hưu theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ: "Việc thay đổi cách tính lương hưu như trên đã làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành". Ông Chính lập luận: "Luật hiện hành, nếu có 20 năm đóng BHXH thì nam được hưởng 55% lương bình quân đóng, còn nữ thì hưởng 60%, nhưng nếu theo dự thảo, cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2020 chỉ được hưởng mức 45% lương bình quân cho 20 năm đóng BHXH đối với cả nam và nữ. Như vậy, sau 5 năm điều chỉnh, mức hưởng của người lao động sẽ chênh lệch 10% với nam và 15% đối với nữ. Với cách tính như trên thì người lao động tối thiểu phải có 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới đạt được mức hưởng tối đa là 75% lương bình quân đóng BHXH. Từ năm 2031 trở đi, với tỷ lệ thay thế 2%/năm cho cả nam và nữ thì lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 phải có 35 năm đóng BHXH mới đạt mức hưởng tối đa 75%. Đây sẽ là một thiệt thòi lớn cho lao động nữ nếu so với quy định hiện hành". Vì vậy, ông Chính đề nghị giữ nguyên công thức tính lương hưu như hiện nay. |