Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc sử dụng công cụ thuế lũy tiến

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, tình trạng dự án "treo" ở nhiều nơi đã gây bức xúc trong dư luận. Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra những chế tài mạnh hơn để giải quyết vấn đề này.

Cân nhắc sử dụng công cụ thuế lũy tiến - Ảnh 1
Trong đó, giải pháp mạnh nhất là thu hồi đất nhưng không trả lại tiền đã đầu tư vào đất cho các chủ đầu tư. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cảnh báo, giải pháp này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Theo Luật Đất đai (sửa đổi), các dự án "treo" được xử lý thế nào, thưa ông?

- Trước đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đặt ra các chế tài xử lý dự án "treo". Lúc này, chúng ta phải xác định ranh giới rõ ràng để quyết định loại dự án nào vi phạm pháp luật đất đai tới mức phải thu hồi đất mà không bồi thường mọi giá trị đã đầu tư vào đất (sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng). Đồng thời, loại dự án nào chỉ bị đánh thuế luỹ tiến (đầu tư chậm hoặc bỏ hoang không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn). Luật Đất đai (sửa đổi) đã lựa chọn phương án "trường hợp không đưa đất vào sử dụng (trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa) thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

 
Dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính bị “treo” từ nhiều năm nay.  Ảnh: Quỳnh Anh
Dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính bị “treo” từ nhiều năm nay. Ảnh: Quỳnh Anh
Ông có thể nói rõ sự khác nhau giữa quy định của luật cũ và mới trong việc xử lý dự án "treo"?

- Luật Đất đai 2003 đã đưa ra giải pháp thu hồi lại đất của các dự án "treo" nhưng có trả lại giá trị đã đầu tư vào đất khi tìm được nhà đầu tư mới có nhu cầu sử dụng đất đó, trừ những trường hợp do bất khả kháng mà để dự án bị "treo". Tuy nhiên, nhiều địa phương thu hồi lại đất rồi nhưng không có giải pháp giải quyết vấn đề "hậu thu hồi đất". Luật Đất đai (sửa đổi) đi theo phương án cải tiến giải pháp của Luật Đất đai 2003: Nếu dự án để bị "treo", được phép gia hạn thêm 24 tháng nhưng phải nộp thêm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian gia hạn. Nếu sau khi gia hạn mà vẫn bị "treo" tiếp, Nhà nước sẽ thu hồi cả đất và mọi tài sản đã đầu tư trên đất mà không bồi thường.

Để xảy ra tình trạng dự án "treo", người có đất bị thu hồi sẽ cảm thấy thiệt thòi, bất bình?

- Không chỉ người có đất bị thu hồi bất bình mà tình trạng này còn gây bức xúc từ nhiều phía. Người bị thu hồi đất bất bình vì đất thu hồi rồi nhưng vẫn để không mà bản thân người dân đó không có việc làm và thu nhập. Người quản lý thấy ngay là không có hiệu quả sử dụng đất. Trừ những nhà đầu tư "tay không bắt giặc", còn các nhà đầu tư nghiêm túc cũng thấy lãng phí, vì nhiều lý do khác nhau mà không thực hiện được dự án đã định.

Theo ông, giải pháp cuối cùng - thu hồi dự án "treo" có phải là phương án khả thi? - Giải pháp mạnh như vậy có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư. Tôi cho rằng, Luật Đất đai không nên đặt vấn đề thu hồi đất đối với các dự án "treo", vì sẽ gây thiệt hại cho cả Nhà nước, doanh nghiệp lẫn người dân có đất bị thu hồi. Do đó, việc sử dụng công cụ thuế luỹ tiến vẫn là giải pháp tốt hơn thay vì thu hồi các dự án "treo".

Xin cảm ơn ông!

 
Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, trong năm 2014, Tổng cục sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó trọng tâm là xây dựng trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, để sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống.