Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội:

Cân nhắc tăng thu ngân sách bằng điều chỉnh thuế giá trị gia tăng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 24/6, thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách Nhà nước. 

Công cụ thuế đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển văn hóa

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, công cụ thuế đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển văn hóa. Trên thế giới, có nhiều quốc gia đã sử dụng công cụ thuế như một trong những chính sách quan trọng để đầu tư, hỗ trợ cho phát triển văn hóa. Ở nước ta, qua nhiều hội nghị, hội thảo, nghiên cứu đã chỉ ra điểm nghẽn về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này là cơ hội rất tốt để chúng ta tháo gỡ một phần điểm nghẽn này, giúp tạo ra sự hấp dẫn, huy động được nguồn lực cho phát triển văn hóa. 

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, công cụ thuế đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển văn hóa
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, công cụ thuế đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển văn hóa

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc có thêm một số ưu đãi về thuế đối với hoạt động văn hóa, tuy nhiên, đại biểu Bùi Hoài Sơn còn một số băn khoăn về một số vấn đề. “Tại khoản 2 Điều 9 về đối tượng áp dụng mức thuế suất 5%, tôi đề nghị giữ nguyên quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 đối với nhóm nội dung là hoạt động văn hóa, triển lãm thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim nhập khẩu, phát hành và chiếu phim” - đại biểu đề nghị. 

Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, việc tăng thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân đối với các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mang tính công cộng này. 

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 9 về đối tượng áp dụng mức thuế suất 0%, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị bổ sung nội dung về dịch vụ văn hóa, giải trí, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan để sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Bởi theo đại biểu, việc áp thuế suất 10% đối với dịch vụ văn hóa xuất khẩu là không phù hợp với thông lệ quốc tế, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm văn hóa Việt Nam, bảo hộ ngược sản phẩm văn hóa nước ngoài.

Cùng với đó, tại khoản 1 Điều 9, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức nước ngoài, tổ chức Việt Nam cung cấp theo quy định của Chính phủ. “Việc không có chính sách ưu đãi thuế đối với các đơn vị làm phim nước ngoài là chưa phù hợp...” - đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại khoản 12 Điều 5, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung không thuộc đối tượng áp dụng thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cơ sở văn hóa không vì lợi nhuận phục vụ hoạt động văn hóa, nghệ thuật sử dụng 100% từ nguồn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo theo quy định của Chính phủ. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước

Không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước 

Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước. Bởi theo thống kê, việc thu thuế giá trị tăng luôn chiếm tỷ trọng khá cao, tỷ lệ huy động từ thuế giá trị gia tăng thuộc nhóm tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. 

Bên cạnh đó, chỉ số đánh giá mức độ huy động thuế là năng suất thu và hiệu suất thu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam đều cao, thể hiện việc thu thuế giá trị gia tăng rất hiệu quả. 

Theo đại biểu, thuế giá trị gia tăng là thuế áp dụng đối với người tiêu dùng, không phải đối với người sản xuất. Tuy nhiên, khi giá hàng hoá tăng lên, mức tiêu thụ hàng hoá sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng đến người sản xuất, ảnh hưởng đến người sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, để phục hồi kinh tế, trong 2 năm qua đã phải giảm thuế mới kích thích được sản xuất. Do đó, đại biểu đề nghị không nên tăng thu ngân sách bằng việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng. Để tăng thu ngân sách, đại biểu cho rằng có thể nghiên cứu thuế tài sản và thuế bảo vệ môi trường.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, mở rộng theo hướng quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng tại điểm này là bán tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, mở rộng theo hướng quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng tại điểm này là bán tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng

Trong khi đó, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP Hà Nội) quan tâm đến nội dung liên quan đến đối tượng chịu thuế tại Điều 5; cụ thể là điểm h  khoản 9 Điều 5 quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập có chức năng mua, bán nợ để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Về nội dung này, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, mở rộng theo hướng quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng tại điểm này là bán tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. 

“Khi đã phải bán tài sản đảm bảo thì có nghĩa là khách hàng vay đã rất khó khăn. Và trong trường hợp này, nếu có thuế giá trị gia tăng nữa thì lại thêm gánh nặng nợ cho họ. Nếu được miễn thuế giá trị gia tăng thì có khả năng họ còn để được một phần giá trị tài sản còn lại để phục vụ cho đời sống hoặc sản xuất kinh doanh trở lại” - đại biểu Phạm Đức Ấn lý giải.  

Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, việc quy định như vậy là rất cần thiết. Bên cạnh đó, trong thực tế, quy định như vậy cũng không quá ảnh hưởng đối với việc thu thuế.