Liên quan đến chi phí này, trong báo cáo mới nhất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định, với việc giá than liên tục tăng trong thời gian qua dự kiến sẽ đội chi phí sản xuất điện lên 4.692 tỷ đồng.
Đây là thách thức lớn nhất trong việc thu xếp cân đối đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư và sản xuất của EVN. Ngoài ra, phải kể đến các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 song chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành bao gồm biến động tỷ giá, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng... đều đã được điều chỉnh tăng. Trong khi đó, sản lượng điện sản xuất của EVN còn hạn chế, mới chỉ chiếm khoảng 43,5% nên việc đảm bảo cung ứng điện phụ thuộc lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN.Giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.622,01 đồng/kWh. Mặc dù năm 2016, EVN không kiến nghị tăng giá điện nhưng chính tập đoàn này không ít lần lưu ý, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn và tạo sức ép lên giá điện. Giá điện tăng đó không còn là vấn đề. Vấn đề quan trọng đã tồn tại trong nhiều năm qua là phải minh bạch trong việc tăng giá. Mỗi lần tăng giá phải công khai cơ sở tăng giá, có căn cứ rõ ràng, giải trình cụ thể từ EVN. Và để xác định sự điều chỉnh giá là khách quan hay chủ quan rất cần có một cơ quan tư vấn độc lập định giá. Không nên để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện. Cụ thể ở đây là Bộ Công Thương, vừa là cơ quan quản lý vừa thực hiện việc xem xét, quyết định giá bán điện mà phần lớn trên cơ sở EVN kiến nghị. Điều này kéo theo không ít những câu hỏi, cách tính giá điện theo công thức hướng dẫn của Bộ Công Thương đã chính xác chưa? Tính minh bạch giá thành nhiệt điện, trong bối cảnh hiệu suất của nhiều nhà máy nhiệt điện quá thấp, tiêu tốn nhiên liệu và giá thành cao. Nguồn thủy điện dồi dào, giá thành rẻ hỗ trợ như thế nào cho giá điện?...Bản thân người tiêu dùng không muốn sản phẩm nào tăng giá. Tuy nhiên, trước những biến động của giá đầu vào nên việc tăng giá bán điện là khó tránh khỏi để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện. Song để mỗi lần tăng giá điện không còn là vấn đề “nóng” những câu hỏi trên cần sớm có câu trả lời rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, việc tăng giá điện cũng phải tính toán thật cụ thể bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn tác động tới chỉ số lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.